HIV là gì? HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người, có nghĩa là nếu bạn nhiễm phải nó, khả năng chống bệnh tật của bạn sẽ bị suy yếu. Đó là vì...
Cơ thể bạn có hệ thống miễn dịch chống lại các vi khuẩn, virus, vi sinh vật... gây bệnh có trong môi trường để duy trì sự sống. Trong hệ thống này, bộ phận chủ chốt là đội quân các bạch cầu. Nhưng chính các bạch cầu chỉ huy (T-CD4) của đội quân đó lại là đối tượng tấn công của HIV. HIV tài tình chui vào cư trú trong mình bạch cầu chỉ huy, nên nó không bị đội quân bạch cầu tiêu diệt. HIV lợi dụng bạch cầu để sinh sôi và sau đó tiêu diệt bạch cầu. Đến khi đa số chỉ huy bị tiêu diệt, cả đội quân trở nên vô hiệu, không chống được bệnh tật nữa.
Sự phá hoại này diễn ra trong thời gian dài. Do vậy, nếu nhiễm HIV thì trong 2-10 năm bạn vẫn thấy khỏe mạnh bình thường, người khác nhìn không biết, bản thân bạn cũng không biết mình mang mầm bệnh. Bạn có thể vô tình truyền HIV cho người khác. Sau thời gian này, bạn phát bệnh...
AIDS (còn gọi là SIDA) có nghĩa là Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Đó là khi khả năng chống bệnh suy yếu đến nỗi cơ thể bị các thứ bệnh hoành hành, điều trị không khỏi được. Từ khi phát bệnh AIDS đến lúc chết chỉ vài tháng hoặc nhiều nhất là hai năm.
Khi mới phát bệnh AIDS, bệnh nhân thường sụt cân nhiều, ho kéo dài, tiêu chảy, sốt, sưng hạch, ra mồ hôi đêm, đau họng, lở, có nốt trên da... Đến giai đoạn AIDS toàn phần, người bệnh có thể mắc nhiều bệnh như lao, viêm phổi, bệnh đường ruột, các bệnh phụ khoa... Đây là các bệnh cơ hội, những kẻ “đục nước béo cò”. Tuy nhiên, chính chúng là thủ phạm đưa bạn đến cái chết.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu khoa học vẫn đang vật lộn với HIV. Mặc dù việc nghiên cứu vacxin đã có sự tiến triển, nhưng tất cả còn đang trong thời gian thử nghiệm. Về thuốc chống thì chưa có loại nào trị được HIV, chỉ có một số thuốc làm chậm thì sự sinh sôi của nó, nhưng chi phí điều trị bằng loại thuốc này là khoảng 10.000-20.000 USD/người/năm).
_________________________________________________________
Mặc dù chung thủy với chồng, chưa chắc bạn sẽ tránh được HIV nếu như chồng bạn có quan hệ không an toàn với người khác.
Mặc dù các vấn đề liên quan đến HIV/AIDS vẫn được phổ biến hàng ngày trên các phương tiện truyền thông nhưng không ít người vẫn chưa có những hiểu biết thực sự đúng về căn bệnh này.
Dưới đây là những hiểu lầm phổ biến nhất:
1. HIV với AIDS là một
Rất nhiều bạn vẫn cho rằng HIV và AIDS là như nhau. Sự thật hoàn toàn không phải vậy, HIV và AIDS được các bác sĩ điều trị theo phác đồ khác nhau mặc dù chúng có cùng một nguồn gốc do virus HIV gây ra.
Người bệnh nhiễm virus HIV có thể nhờ vào sự can thiệp của y khoa hiện đại mà kéo dài, thậm chí tránh được giai đoạn chuyển sang AIDS - hội chứng suy giảm miễn dịch.
Bệnh nhân AIDS thường tử vong do hệ miễn dịch suy giảm, mất sức đề kháng, tạo điều kiện cho hàng loạt bệnh khác xuất hiện, điển hình là bệnh lao.
HIV và AIDS được các bác sĩ điều trị theo phác đồ khác nhau mặc dù chúng có cùng một nguồn gốc do virus HIV gây ra.
2. Chung thủy chắc chắn không bị HIV
Một trong những biện pháp phòng ngừa HIV hiệu quả nhất là chung thủy. Tuy nhiên, sự chung thủy phải được thực hiện từ cả hai phía vợ và chồng. Nếu một trong hai người từng có quan hệ ngoài luồng, quan hệ không an toàn thì vợ hoặc chồng của họ chưa chắc đã được bảo vệ khỏi virus HIV.
Việc chung thủy với bạn tình là cách giảm thiểu rủi ro mắc bệnh, nhưng bạn cũng phải đòi hỏi sự chung thủy tương tự từ phía người ấy để đảm bảo an toàn cho cả hai.
3. Phụ nữ bị nhiễm HIV không thể có con
Những người phụ nữ không may bị nhiễm HIV thường cho rằng họ sẽ vĩnh viễn không được làm mẹ nữa vì nguy cơ truyền bệnh sang con là rất cao. Nhưng may mắn thay, nhờ vào sự tiến bộ không ngừng của y khoa hiện đại, ngày nay một người phụ nữ bị mắc HIV hoàn toàn có thể sinh con và tỉ lệ nhiễm HIV do mẹ truyền sang con cũng rất thấp nếu biết tuân thủ đúng chỉ dẫn của các bác sĩ.
4. Bạn không cần dùng bao cao su nếu “yêu” bằng miệng
Không chỉ có kiểu quan hệ tình dục truyền thống mới dẫn tới việc lây nhiễm HIV. Nếu quan hệ với người bị bệnh, tinh trùng của họ mang virus HIV cũng có thể xâm nhập vào các vết thương cực nhỏ trên môi, nướu và bên trong miệng của bạn.
Việc nhiễm HIV do quan hệ bằng đường miệng không phải là hiếm gặp nữa, do đó, phải hết sức cẩn thận. Nếu bạn không chắc chắn về sức khỏe của người mà bạn đang quan hệ, tốt nhất hãy dùng bao cao su để đảm bảo an toàn.
5. Không nên ăn uống chung hay chạm vào người bệnh HIV
Đây là hiểu làm hết sức vô lý nhưng lại tồn tại khá lâu khiến nhiều người vẫn còn tâm lý kì thị bệnh nhân HIV. Bạn vẫn có thể trò chuyện, nắm tay, ôm, chạm vào người bệnh nhân HIV mà không lo ngại bất kỳ nguy cơ nhiễm bệnh nào. Tất nhiên, chỉ cần đảm bảo vùng da tiếp xúc của bạn không có vết thương.
Phụ nữ - Theo TTVN