Hơn chục năm nay, sư cô Thích Diệu Mơ bất chấp tính mạng, tìm mọi cách giữ lại một góc quả núi, để khỉ có nhà ở. Sư cô là người mẹ thực sự của bọn khỉ, là người sinh ra chúng lần thứ hai.
Quả núi mọc lên giữa cánh đồng bát ngát ấy vốn rất nhiều khỉ vàng. Khỉ sà vào nhà dân, đi lại lững thững trên mái chùa. Nhưng rồi, các doanh nghiệp đào đá, phá núi, những quả núi mất dần, đàn khỉ bị tiêu diệt gần hết.
Còn đâu thuở thanh bình khỉ trêu người
Nhẫm Dương (Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương) là ngôi chùa cổ, cùng với hệ thống hang động đã được xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Ngọn núi Nhẫm chỉ còn một góc nhỏ xanh rờn cây lá. Các quả núi xung quanh đã bị nổ mìn phá đá sạch sẽ. Núi Nhẫm cũng đã bị bổ làm đôi. Nửa bên Tây đã thành xi măng rồi, nửa bên Đông, nơi có ngôi chùa và những hang động nổi tiếng thì vẫn còn.
Sở dĩ, di tích cấp quốc gia ấy, còn tồn tại đến ngày hôm nay, là nhờ sư cô Thích Diệu Mơ. Chuyện sư cô Diệu Mơ đem cả mạng sống mình để giữ núi trước lòng tham vô đáy của con người, thì đã thành nhiều tập phim, do nhà báo Phạm Chức (Truyền hình Hải Dương) dựng rất cầu kỳ.
Sư cô bảo: “Núi Nhẫm này là nơi đặc biệt không những của Việt Nam, mà của cả thế giới, vì phát hiện hóa thạch Pôn-gô, một loài vượn người cực kỳ thông minh. Bọn khỉ ở núi này cũng thông minh lắm, tình cảm lắm, chả khác gì con người. Ấy vậy mà, người ta nỡ cướp nhà của chúng, nỡ giết hết chúng”. Rồi sư cô hồi tưởng ngày xưa, khi sống cảnh đời thanh tịnh, quây quần, nô đùa với bọn khỉ.
Ngày ấy, chẳng phải đâu xa, mới cách nay hơn chục năm. Sáng sớm, vừa bảnh mắt, đàn khỉ đã ríu rít trên cây thị 700 tuổi trước chùa, chạy nhảy trên mái chùa, ngồi chồm hỗm trên nóc tháp tổ. Cả dãy núi Nhẫm có cả chục đàn khỉ vàng, mỗi đàn có vài chục con. Chúng kiếm ăn khắp các rông núi. Đói thì về chùa xin ăn. Chùa như ngôi nhà của chúng.
Theo sư cô Mơ, chị em phụ nữ quanh vùng vào chùa thì thoải mái, nhưng không dám vào sâu trong núi. Bọn khỉ rất nghịch ngợm, hay trêu ghẹo đàn bà con gái. Nếu có việc phải vào, thì phải rủ nhau vài người cùng đi. Nếu phát hiện có một mình, chúng xông đến giật nón, giật mũ, lôi rách cả áo. Xua đuổi chúng, chúng cáu lên, hò hét cả bọn lấy đá sỏi ném như mưa rào.
“Bọn khỉ chả khác gì người, nhưng là chúa chòng ghẹo”, sư cô Mơ kể. Nhớ nhất là cảnh chị em đi gặt lúa, vừa vui vừa tức cái lũ khỉ chúa nghịch ngợm. Lúa mọc vàng ươm, tốt bời bời, chúng không phá. Nhưng hễ chị em phụ nữ vào khe núi gặt, là chúng kéo đến trêu ghẹo. Chị em gặt lúa, xếp thẳng thớm, chúng hò nhau kéo xuống ruộng giũ cho rối tinh rối mù lên. Cầm đòn gánh đuổi, chúng lại chạy tót lên núi.
Lúc gánh lúa về, mấy tên khỉ đểu cáng xông ra, nhảy lên một bên quang gánh, rồi đột ngột nhảy tót ra, khiến chị em chao đảo, gánh lúa bật tung. Trời thì nóng, tức lắm, nhưng chẳng làm gì được chúng. Đuổi chúng, chúng chạy tót lên núi rồi cả lũ hò hét như thể trêu ngươi. Có chị em đang cấy, chúng núp trong bụi rậm, lấy đá cuội nhỏ ném vào nón bùm bụp. Giật mình nhìn quanh, nhưng chẳng thấy ai, cứ ngỡ là ma, sợ lạnh cả người. Trêu cho chị em phát tức, phát sợ, chúng mới thò mặt ra cười rũ rượi.
Mỗi lần bị bọn khỉ trêu chọc, chị em lại phải gọi sư cô Mơ can thiệp. Sư cô nói gì, bọn khỉ cũng nghe, bảo chúng không trêu phụ nữ nữa, thì chúng bỏ lên núi. Sư kể: “Nhiều khi tôi trêu bọn khỉ xấu như ma, cả bọn chu mỏ lên, rồi con che mặt xấu hổ, con gãi đầu gãi tai. Thế nhưng khen xinh thì cười tíu tít, nhảy cả lên vai sư, quấn lấy chân. Khen chúng xinh, thế nào chúng cũng làm xiếc cho xem. Một con bám vào cành cao, đến chục con bám vào chân nhau thành một chuỗi dài đánh đu lủng liểng trông vui mắt lắm”.
Nhưng rồi, những ngọn núi trong vùng lần lượt bị phá, những áng (thung lũng) đẹp nên thơ cũng biến mất. Đàn khỉ bị dồn tụ về núi Nhẫm, là quả núi duy nhất còn sót lại trong vùng, do sư cô Mơ kiên quyết giữ. Đúng lúc ấy, lại rộ lên trào lưu nuôi khỉ làm cảnh, ngâm rượu khỉ, cao khỉ, nên nhiều người vào núi bẫy khỉ, bắn khỉ. Núi Nhẫm nổi tiếng nhiều khỉ và nhiều cú mèo. Thợ săn vào núi rải bẫy hôm trước, hôm sau gánh ra cả gánh khỉ. Chăng lưới vách núi, tóm được cả gánh cú mèo. Người dân lại lên núi đốn củi, đẵn trọc quả núi. Khỉ hết dần, cú mèo cũng bỏ đi sạch.
Sư cô Mơ kể, có lần nghe thấy tiếng khỉ khóc lóc chí chóe trong rừng. Sư chạy vào núi xem nguyên do. Sư thấy bầy khỉ mấy chục con, con nào cũng hung tợn, quây quanh ông Hưng, thợ săn khỉ nổi tiếng trong vùng. Bọn khỉ xông vào cắn xé ông Hưng. Ông Hưng cứ cầm cái bẫy kiềng lớn, với con khỉ dính bẫy quay tít xung quanh, để bọn khỉ sợ không dám xông vào.
Nhưng bọn khỉ quyết tâm cứu 2 con khỉ con bị trói quặt tay. Chúng cắt đứt dây, cõng hai khỉ con chạy lên núi. Sư Mơ đến can thiệp, bọn khỉ mới tha cho ông Hưng. Chẳng là, ông Hưng đặt bẫy, dính ngay khỉ mẹ. Hai chú khỉ con ngồi khóc bên mẹ, bị ông tóm sống. Tuy nhiên, đàn khỉ đã kéo đến giải cứu 2 khỉ con. Khỉ mẹ dính bẫy thì chết tự bao giờ. Sư cô Mơ kêu lên: “Bác ơi, con khỉ nó như con người, sao bác nỡ giết nó”. Sau vụ chết hụt vì bị đàn khỉ tấn công, ông Hưng hứa với sư cô sẽ không bao giờ giết khỉ nữa. Ông cũng bỏ nghề thật.
Sự cô Thích Diệu Mơ.
Sau hôm đó, ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm, đàn khỉ vàng lại cùng 2 chú khỉ con, kéo về nóc chùa, quây quanh tháp tổ kêu khóc. Sư cô Mơ ra xem lại phải dỗ dành. Hai chú khỉ con khóc như đứa trẻ đòi mẹ. Sư cũng khóc cùng bầy khỉ. Khóc lóc chừng 2 tháng thì chúng bỏ đi. Rồi không thấy hai khỉ con, cùng đàn khỉ ấy quay về chùa nữa.
Dù ông Hưng không bẫy khỉ, thì những người khác cũng vào núi đặt bẫy, bắn khỉ. Từ đàn khỉ vàng đông đúc, giờ chỉ còn 5 con. Thời gian sau, sư cô Mơ đếm mãi thấy có 3 con. Giờ thì chỉ thấy duy nhất một con khỉ hoang dã còn sống sót. Nhưng, con khỉ này ít xuất hiện lắm. Nó thoắt ẩn, thoắt hiện trên núi. Nó sợ hãi con người lắm rồi. Chuyện đàn khỉ hoang dã trên núi Nhẫm và cả vùng núi non lô nhô Kinh Môn dã lùi dần vào dĩ vãng, trở thành những câu chuyện cổ tích đẹp, mà buồn.
Khỉ quỳ lạy khiến sư cô bật khóc
Khoảng 7 hay 8 năm trước, một Phật tử đến chùa, nghe tiếng khỉ hót buồn não nề, liền hỏi sư cô Mơ: “Bạch thầy, núi này còn khỉ hả thầy”. Sư cô Mơ gật đầu bảo chỉ còn một con khỉ nữa thôi. Tức thì, Phật tử nọ khóc nấc lên. Nhà Phật tử này ở xã Minh Tân, nơi từng có những rông núi mọc lên giữa đồng bằng sông nước, chả khác gì Hạ Long trên cạn.
Khỉ ở đó vốn nhiều vô kể, sống chan hòa với con người. Nhưng rồi núi bị phá sạch, con người tự dưng lại có nhu cầu thịt khỉ, cao khỉ, nên bọn khỉ đã bị tận diệt. Nhà Phật tử ấy ở cạnh nhà một tay nấu cao khỉ. Ông ta xích chú khỉ vào gốc cây, đun sôi nước, rồi múc ca nước sôi tiến về phía con khỉ. Con khỉ vàng quỳ hai chân, chắp tay vái gã đồ tể. Nó vừa vái vừa khóc, nước mắt ròng ròng.
Nhưng lão đồ tể lạnh lùng hắt ca nước sôi vào nó. Con khỉ khóc ré lên, chạy vòng quanh gốc cây. Nó vừa chạy vừa khóc, vừa gãi, trợt lông lộ lớp da trắng hếu. Lão đồ tể dội đến chục ca nước sôi, nó yếu dần, rồi khuỵu xuống chết. Vừa kể, nữ Phật tử vừa khóc. Sư cô Mơ cũng nước mắt ròng ròng. Sư thương đàn khỉ quá.
Để cứu con khỉ cuối cùng trên núi, sư thuê người quanh xóm trồng nhiều cây trên núi. Từ quả núi trọc, giờ núi Nhẫm xanh rờn trở lại. Sư cô nhờ nhân dân cả thôn cùng quyết tâm bảo vệ con khỉ, không cho bất kỳ ai vào núi săn thú, đốn củi. Rồi nữ Phật tử kia dẫn sư Mơ đến nhà lão đồ tể, chuyên làm thịt khỉ nấu cao.
Lão đồ tể bảo, ngoài việc nấu cao khỉ, ông ta còn xuất lậu sang Trung Quốc. Người Trung Quốc thích nuôi khỉ vàng, vì nó giỏi làm trò, làm xiếc. Nuôi chán thì họ dùng dao phạt đầu, múc óc ăn sống. Thịt chế biến giả cầy, xương đem nấu cao. Nghe lão đồ tể kể, sư lạnh cả người. Sư Mơ bảo: “Anh mua được con khỉ nào thì bán lại cho tôi. Anh bán đắt thế nào tôi cũng mua. Cứu một con khỉ bằng xây 10 tòa tháp”. Gã đồ tể gật đầu.
Rồi từ đó, hễ thu mua được con khỉ nào, anh ta lại gọi sư Mơ. Có chỗ bán khỉ, anh ta cũng bỏ luôn nghề làm thịt, nấu cao khỉ. Anh ta ăn nên làm ra, còn sư cô Mơ có được bao nhiêu tiền công đức, toàn đi mua khỉ về thả lên núi. Ngôi chùa Nhẫm khá khiêm tốn, nhưng xây đã chục năm chưa xong, vôi ve chưa quét, nhưng có khỉ thì đắt thế nào sư cũng mua bằng được.
Cặp khỉ đầu tiên mà sư Mơ mua được từ tay đồ tể nọ là con Trố và Ngố. Sư đặt tên cho hai con này như vậy. Hôm gã đồ tể gọi, sư đến ngay. Hai con khỉ bị nhốt trong lồng sắt. Một tay buôn khỉ định chuyển đi Trung Quốc, thì ông đồ tể nọ biết, liền mua lại, rồi bán lại cho sư Mơ. Hôm chở về chùa, mở cửa lồng, cho chúng chạy lên núi, nhưng chúng cứ đứng lên lại ngã oành oạch.
Hai con khỉ đói đến nỗi không đứng nổi nữa, tay chân run lẩy bẩy. Sư phải sắm mấy chuồng sắt, nhốt nó vào cho an toàn, rồi hàng ngày cho nó uống sữa. Hồi sức rồi, chúng mới ăn được các thứ khác. Khi Ngố và Trố khỏe, sư thả ra, nhưng nó nhất định không lên núi, cứ luẩn quẩn quanh chùa.
Ngố và Trố nghịch ngợm không tên khỉ nào bằng. Sư nấu cơm, còn chưa kịp ăn, hai tên mở vung ăn vụng sạch sẽ. Du khách đến chùa, chẳng ngại ngùng gì, cứ trèo cả lên cổ du khách. Đuổi lên núi không chịu đi, thả ra thì nghịch ngợm, phá phách, trêu ghẹo khách viếng chùa, nên sư nhốt hai tên này vào chuồng, thi thoảng mới cho ra.
Bọn khỉ vàng rất thích uống sữa tươi.
Người mẹ của lũ khỉ
Sư Thích Diệu Mơ chợt nhớ đến con Mi Mi, rồi đôi mắt bỗng dưng mọng nước. Nó là con thông minh, thân thiết với sư nhất. Con này là do một Phật tử mua lại từ đám buôn khỉ mang đến chùa. Điều lạ là Mi Mi cũng ăn chay như sư cô. Nó chỉ uống sữa và ăn hoa quả. Khi sư cô ăn cơm, thì nó ăn cùng. Ăn xong thì ngồi vào lòng sư. Nhiều đêm nó ngủ cùng sư. Sư dậy, nó cũng đánh răng cùng, cũng soi gương chải tóc.
Đêm nào cũng vậy, sư cô phải bế nó đi đúng 3 vòng sân chùa, vừa bế vừa ru nó mới ngủ. Không ru là nó khóc. Con Mi Mi hiểu sư cô nhất, nên nói gì nó cũng nghe, cũng biết. Sư thường dẫn nó ra bờ ao. Sư và Mi Mi cùng ngồi bên cầu ao, soi bóng mặt nước. Sư cô kể: “Tôi bảo ao mát lắm, con xuống tắm đi, tức thì Mi Mi lò dò xuống bước xuống từng bậc.
Tôi bảo lặn đi, Mi Mi cũng lặn. Sư nhìn rõ nó bơi dưới nước trông như con cá cảnh, rồi ngóc đầu ở giữa ao cười toe toét. Rồi tôi nói, Mi Mi ơi, bơi vào đi không chết đuối đấy, thì nó bơi về cầu ao”. Thi thoảng, Mi Mi cũng lên núi, sống cảnh hoang dã. Nhưng chỉ được một hai ngày lại mò về như trẻ con đi xa nhớ mẹ.
Cũng vì có thói quen uống sữa, mà Mi Mi đã mất mạng vào năm ngoái. Chẳng là, hôm đó xây chùa, Mi Mi đã mở khóa, lục túi đồ của thợ xây, lấy tuýp keo và trèo tót lên cây mít. Bác thợ xây liền báo sư cô. Dù sư cô gọi nhưng Mi Mi không chịu xuống, cứ hí hoáy với tuýp keo. Sư cô phải mang hộp sữa ra gạ đổi, thì Mi Mi đồng ý.
Thế nhưng, uống hết sữa rồi, Mi Mi lại lục túi bác thợ xây để ăn trộm tuýp keo. Đêm ấy, trời mưa to, không thấy Mi Mi về. Hôm sau, sư cô dậy sớm, nhưng gọi mãi không thấy Mi Mi đáp lời. Sư cô rụng rời tay chân khi thấy Mi Mi nằm chết cứng dưới gốc mít. Thì ra, Mi Mi tưởng tuýp keo là sữa, nên đã uống sạch. Sư cô chôn Mi Mi mà nước mắt lã chã.
Ngoài Mi Mi thì con Mặt Đỏ và con Xích Lu cũng bị chết một cách đáng tiếc, khiến sư cô đau dứt ruột gan. Con Mặt Đỏ thì ho hắng, ốm đau suốt. Dù đã được sư cô chăm sóc tận tình, có bác sĩ thú y chữa trị, nhưng nó vẫn ra đi. Con Xích Lu thì chết rất đáng tiếc. Nhắc đến con Xích Lu, khuôn mặt sư cô Mơ buồn rười rượi.
Cách đây chừng 5 năm, có một du khách đến vãn cảnh, thấy sư cô Mơ nuôi nhiều khỉ vàng, vị khách này bảo: “Đây là giống khỉ thông minh lắm. Con muốn đổi mấy con khỉ của con lấy một con của thầy được không ạ?”. Tất nhiên là sư cô không đổi nhưng lại đề nghị vị khách này bán lại đàn khỉ cho nhà chùa.
Tuy nhiên, vị khách nọ cũng không nỡ xa đàn khỉ. Thích thú đàn khỉ trong chùa Nhẫm Dương, thi thoảng anh lại đến thăm. Khi thân thiết, sư cô đã yêu cầu vị khách đứng trước tượng Phật và thề là sẽ không giết, không bán mấy con khỉ mà anh đang nuôi. Thời gian sau, vị khách nọ mang đến 2 con khỉ và bảo với sư rằng: “Có lái buôn đang chuyển 2 con khỉ này sang Trung Quốc. Sang đó thì người ta lột da ngâm rượu hoặc róc xương nấu cao. Thương nó quá nên con mua giúp thầy”.
Hai con khỉ này được sư cô đặt tên là Xích Lu và Vâu. Cả hai đều cực kỳ thông minh, sống quây quần với sư cô Mơ suốt mấy năm nay. Vâu và Xích Lu là hai người bạn thân thiết của nhau. Con Vâu có cái răng vổ, nên thi thoảng sư cô và khách viếng chùa hay trêu ghẹo nó. Khen nó xinh, thì nó cười toe toét, chạy đến bắt tay, nhưng chê nó xấu, thì nó nhăn mặt, gầm gừ.
Năm kia, Xích Lu mang bầu, bụng chửa vượt mặt đi lững thững ở sân. Anh Lan, là Phật tử trông chùa cầm chổi cán dài quét sân. Mắt anh Lan hơi kém, nên không nhìn thấy con Xích Lu, đã quét vào nó. Xích Lu đang mang bầu, hơi khó tính một chút, lại tưởng anh Lan đánh nó bằng chổi, nên nó xông vào dọa cắn anh Lan.
Con chó đang ngồi ở gốc thị, thấy khỉ cắn chủ mình, thì nổi giận xông đến, cắn trúng cổ Xích Lu, khiến nó chết tại chỗ. Con Vâu nhìn thấy cảnh chó cắn chết bạn cứ nhảy như cào cào kêu khóc thảm thiết. Nó buồn bã, nhảy tót lên cây thị cổ thụ. Từ đó, nó ít khi xuống sân chùa lắm. Hằng ngày, nó lên núi Nhẫm, hòa với đàn khỉ do sư cô Mơ thả lên núi. Đêm nó cùng mấy con khỉ khác về cây thị ngủ. Phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy mấy chú khỉ như mấy con chuột trên cây thị khổng lồ 700 tuổi. Chỉ riêng sư cô Mơ mới gọi được Vâu cùng đàn khỉ xuống. Không kiếm được thức ăn, bọn khỉ tìm về cây thị và được sư cô mang hoa quả, sữa tươi cho chúng. Bọn khỉ sà xuống lấy đồ ăn, rồi lại chạy tót lên cây.
Cho đến nay, sư cô Diệu Mơ cũng không nhớ nổi, đã thả bao nhiêu khỉ lên núi Nhẫm, nhưng con số phải đến vài chục. Hầu hết số khỉ này là do sư mua, một vài con do Phật tử mang đến chùa. Những chú khỉ mới về chùa, được sư cô nhốt vào chuồng sắt. Quen với khung cảnh chùa chiền rồi, sư thả chúng ra. Con nào ở lại chùa thì sư nuôi dưỡng, còn thích cuộc sống hoang dã, thì tự tìm lên núi nhập bầy kiếm ăn. Mấy năm trước sư còn mua được nhiều, giờ khỉ đã bị bắt sạch, nên có khi cả năm chẳng mua được con nào.
Đàn khỉ đang hồi sinh trên núi Nhẫm và sư cô Thích Diệu Mơ vẫn đang phải căng sức bảo vệ chúng và “ngôi nhà” của chúng. Sư cô chỉ về phía tả quả núi Nhẫm vào bảo: “Mấy hôm trước, người của Công ty xi măng Phúc Sơn đưa máy móc, thuốc nổ lên định phá nốt núi, nhưng sư đấu tranh quyết liệt lắm, tố cáo tận nơi tận chốn mới giữ được đấy”. Sư Mơ đúng là mẹ của đàn khỉ vàng núi Nhẫm!
Quả núi mọc lên giữa cánh đồng bát ngát ấy vốn rất nhiều khỉ vàng. Khỉ sà vào nhà dân, đi lại lững thững trên mái chùa. Nhưng rồi, các doanh nghiệp đào đá, phá núi, những quả núi mất dần, đàn khỉ bị tiêu diệt gần hết.
Còn đâu thuở thanh bình khỉ trêu người
Nhẫm Dương (Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương) là ngôi chùa cổ, cùng với hệ thống hang động đã được xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Ngọn núi Nhẫm chỉ còn một góc nhỏ xanh rờn cây lá. Các quả núi xung quanh đã bị nổ mìn phá đá sạch sẽ. Núi Nhẫm cũng đã bị bổ làm đôi. Nửa bên Tây đã thành xi măng rồi, nửa bên Đông, nơi có ngôi chùa và những hang động nổi tiếng thì vẫn còn.
Sở dĩ, di tích cấp quốc gia ấy, còn tồn tại đến ngày hôm nay, là nhờ sư cô Thích Diệu Mơ. Chuyện sư cô Diệu Mơ đem cả mạng sống mình để giữ núi trước lòng tham vô đáy của con người, thì đã thành nhiều tập phim, do nhà báo Phạm Chức (Truyền hình Hải Dương) dựng rất cầu kỳ.
Sư cô bảo: “Núi Nhẫm này là nơi đặc biệt không những của Việt Nam, mà của cả thế giới, vì phát hiện hóa thạch Pôn-gô, một loài vượn người cực kỳ thông minh. Bọn khỉ ở núi này cũng thông minh lắm, tình cảm lắm, chả khác gì con người. Ấy vậy mà, người ta nỡ cướp nhà của chúng, nỡ giết hết chúng”. Rồi sư cô hồi tưởng ngày xưa, khi sống cảnh đời thanh tịnh, quây quần, nô đùa với bọn khỉ.
Ngày ấy, chẳng phải đâu xa, mới cách nay hơn chục năm. Sáng sớm, vừa bảnh mắt, đàn khỉ đã ríu rít trên cây thị 700 tuổi trước chùa, chạy nhảy trên mái chùa, ngồi chồm hỗm trên nóc tháp tổ. Cả dãy núi Nhẫm có cả chục đàn khỉ vàng, mỗi đàn có vài chục con. Chúng kiếm ăn khắp các rông núi. Đói thì về chùa xin ăn. Chùa như ngôi nhà của chúng.
Theo sư cô Mơ, chị em phụ nữ quanh vùng vào chùa thì thoải mái, nhưng không dám vào sâu trong núi. Bọn khỉ rất nghịch ngợm, hay trêu ghẹo đàn bà con gái. Nếu có việc phải vào, thì phải rủ nhau vài người cùng đi. Nếu phát hiện có một mình, chúng xông đến giật nón, giật mũ, lôi rách cả áo. Xua đuổi chúng, chúng cáu lên, hò hét cả bọn lấy đá sỏi ném như mưa rào.
“Bọn khỉ chả khác gì người, nhưng là chúa chòng ghẹo”, sư cô Mơ kể. Nhớ nhất là cảnh chị em đi gặt lúa, vừa vui vừa tức cái lũ khỉ chúa nghịch ngợm. Lúa mọc vàng ươm, tốt bời bời, chúng không phá. Nhưng hễ chị em phụ nữ vào khe núi gặt, là chúng kéo đến trêu ghẹo. Chị em gặt lúa, xếp thẳng thớm, chúng hò nhau kéo xuống ruộng giũ cho rối tinh rối mù lên. Cầm đòn gánh đuổi, chúng lại chạy tót lên núi.
Lúc gánh lúa về, mấy tên khỉ đểu cáng xông ra, nhảy lên một bên quang gánh, rồi đột ngột nhảy tót ra, khiến chị em chao đảo, gánh lúa bật tung. Trời thì nóng, tức lắm, nhưng chẳng làm gì được chúng. Đuổi chúng, chúng chạy tót lên núi rồi cả lũ hò hét như thể trêu ngươi. Có chị em đang cấy, chúng núp trong bụi rậm, lấy đá cuội nhỏ ném vào nón bùm bụp. Giật mình nhìn quanh, nhưng chẳng thấy ai, cứ ngỡ là ma, sợ lạnh cả người. Trêu cho chị em phát tức, phát sợ, chúng mới thò mặt ra cười rũ rượi.
Mỗi lần bị bọn khỉ trêu chọc, chị em lại phải gọi sư cô Mơ can thiệp. Sư cô nói gì, bọn khỉ cũng nghe, bảo chúng không trêu phụ nữ nữa, thì chúng bỏ lên núi. Sư kể: “Nhiều khi tôi trêu bọn khỉ xấu như ma, cả bọn chu mỏ lên, rồi con che mặt xấu hổ, con gãi đầu gãi tai. Thế nhưng khen xinh thì cười tíu tít, nhảy cả lên vai sư, quấn lấy chân. Khen chúng xinh, thế nào chúng cũng làm xiếc cho xem. Một con bám vào cành cao, đến chục con bám vào chân nhau thành một chuỗi dài đánh đu lủng liểng trông vui mắt lắm”.
Nhưng rồi, những ngọn núi trong vùng lần lượt bị phá, những áng (thung lũng) đẹp nên thơ cũng biến mất. Đàn khỉ bị dồn tụ về núi Nhẫm, là quả núi duy nhất còn sót lại trong vùng, do sư cô Mơ kiên quyết giữ. Đúng lúc ấy, lại rộ lên trào lưu nuôi khỉ làm cảnh, ngâm rượu khỉ, cao khỉ, nên nhiều người vào núi bẫy khỉ, bắn khỉ. Núi Nhẫm nổi tiếng nhiều khỉ và nhiều cú mèo. Thợ săn vào núi rải bẫy hôm trước, hôm sau gánh ra cả gánh khỉ. Chăng lưới vách núi, tóm được cả gánh cú mèo. Người dân lại lên núi đốn củi, đẵn trọc quả núi. Khỉ hết dần, cú mèo cũng bỏ đi sạch.
Sư cô Mơ kể, có lần nghe thấy tiếng khỉ khóc lóc chí chóe trong rừng. Sư chạy vào núi xem nguyên do. Sư thấy bầy khỉ mấy chục con, con nào cũng hung tợn, quây quanh ông Hưng, thợ săn khỉ nổi tiếng trong vùng. Bọn khỉ xông vào cắn xé ông Hưng. Ông Hưng cứ cầm cái bẫy kiềng lớn, với con khỉ dính bẫy quay tít xung quanh, để bọn khỉ sợ không dám xông vào.
Nhưng bọn khỉ quyết tâm cứu 2 con khỉ con bị trói quặt tay. Chúng cắt đứt dây, cõng hai khỉ con chạy lên núi. Sư Mơ đến can thiệp, bọn khỉ mới tha cho ông Hưng. Chẳng là, ông Hưng đặt bẫy, dính ngay khỉ mẹ. Hai chú khỉ con ngồi khóc bên mẹ, bị ông tóm sống. Tuy nhiên, đàn khỉ đã kéo đến giải cứu 2 khỉ con. Khỉ mẹ dính bẫy thì chết tự bao giờ. Sư cô Mơ kêu lên: “Bác ơi, con khỉ nó như con người, sao bác nỡ giết nó”. Sau vụ chết hụt vì bị đàn khỉ tấn công, ông Hưng hứa với sư cô sẽ không bao giờ giết khỉ nữa. Ông cũng bỏ nghề thật.
Sự cô Thích Diệu Mơ.
Sau hôm đó, ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm, đàn khỉ vàng lại cùng 2 chú khỉ con, kéo về nóc chùa, quây quanh tháp tổ kêu khóc. Sư cô Mơ ra xem lại phải dỗ dành. Hai chú khỉ con khóc như đứa trẻ đòi mẹ. Sư cũng khóc cùng bầy khỉ. Khóc lóc chừng 2 tháng thì chúng bỏ đi. Rồi không thấy hai khỉ con, cùng đàn khỉ ấy quay về chùa nữa.
Dù ông Hưng không bẫy khỉ, thì những người khác cũng vào núi đặt bẫy, bắn khỉ. Từ đàn khỉ vàng đông đúc, giờ chỉ còn 5 con. Thời gian sau, sư cô Mơ đếm mãi thấy có 3 con. Giờ thì chỉ thấy duy nhất một con khỉ hoang dã còn sống sót. Nhưng, con khỉ này ít xuất hiện lắm. Nó thoắt ẩn, thoắt hiện trên núi. Nó sợ hãi con người lắm rồi. Chuyện đàn khỉ hoang dã trên núi Nhẫm và cả vùng núi non lô nhô Kinh Môn dã lùi dần vào dĩ vãng, trở thành những câu chuyện cổ tích đẹp, mà buồn.
Khỉ quỳ lạy khiến sư cô bật khóc
Khoảng 7 hay 8 năm trước, một Phật tử đến chùa, nghe tiếng khỉ hót buồn não nề, liền hỏi sư cô Mơ: “Bạch thầy, núi này còn khỉ hả thầy”. Sư cô Mơ gật đầu bảo chỉ còn một con khỉ nữa thôi. Tức thì, Phật tử nọ khóc nấc lên. Nhà Phật tử này ở xã Minh Tân, nơi từng có những rông núi mọc lên giữa đồng bằng sông nước, chả khác gì Hạ Long trên cạn.
Khỉ ở đó vốn nhiều vô kể, sống chan hòa với con người. Nhưng rồi núi bị phá sạch, con người tự dưng lại có nhu cầu thịt khỉ, cao khỉ, nên bọn khỉ đã bị tận diệt. Nhà Phật tử ấy ở cạnh nhà một tay nấu cao khỉ. Ông ta xích chú khỉ vào gốc cây, đun sôi nước, rồi múc ca nước sôi tiến về phía con khỉ. Con khỉ vàng quỳ hai chân, chắp tay vái gã đồ tể. Nó vừa vái vừa khóc, nước mắt ròng ròng.
Nhưng lão đồ tể lạnh lùng hắt ca nước sôi vào nó. Con khỉ khóc ré lên, chạy vòng quanh gốc cây. Nó vừa chạy vừa khóc, vừa gãi, trợt lông lộ lớp da trắng hếu. Lão đồ tể dội đến chục ca nước sôi, nó yếu dần, rồi khuỵu xuống chết. Vừa kể, nữ Phật tử vừa khóc. Sư cô Mơ cũng nước mắt ròng ròng. Sư thương đàn khỉ quá.
Để cứu con khỉ cuối cùng trên núi, sư thuê người quanh xóm trồng nhiều cây trên núi. Từ quả núi trọc, giờ núi Nhẫm xanh rờn trở lại. Sư cô nhờ nhân dân cả thôn cùng quyết tâm bảo vệ con khỉ, không cho bất kỳ ai vào núi săn thú, đốn củi. Rồi nữ Phật tử kia dẫn sư Mơ đến nhà lão đồ tể, chuyên làm thịt khỉ nấu cao.
Lão đồ tể bảo, ngoài việc nấu cao khỉ, ông ta còn xuất lậu sang Trung Quốc. Người Trung Quốc thích nuôi khỉ vàng, vì nó giỏi làm trò, làm xiếc. Nuôi chán thì họ dùng dao phạt đầu, múc óc ăn sống. Thịt chế biến giả cầy, xương đem nấu cao. Nghe lão đồ tể kể, sư lạnh cả người. Sư Mơ bảo: “Anh mua được con khỉ nào thì bán lại cho tôi. Anh bán đắt thế nào tôi cũng mua. Cứu một con khỉ bằng xây 10 tòa tháp”. Gã đồ tể gật đầu.
Rồi từ đó, hễ thu mua được con khỉ nào, anh ta lại gọi sư Mơ. Có chỗ bán khỉ, anh ta cũng bỏ luôn nghề làm thịt, nấu cao khỉ. Anh ta ăn nên làm ra, còn sư cô Mơ có được bao nhiêu tiền công đức, toàn đi mua khỉ về thả lên núi. Ngôi chùa Nhẫm khá khiêm tốn, nhưng xây đã chục năm chưa xong, vôi ve chưa quét, nhưng có khỉ thì đắt thế nào sư cũng mua bằng được.
Cặp khỉ đầu tiên mà sư Mơ mua được từ tay đồ tể nọ là con Trố và Ngố. Sư đặt tên cho hai con này như vậy. Hôm gã đồ tể gọi, sư đến ngay. Hai con khỉ bị nhốt trong lồng sắt. Một tay buôn khỉ định chuyển đi Trung Quốc, thì ông đồ tể nọ biết, liền mua lại, rồi bán lại cho sư Mơ. Hôm chở về chùa, mở cửa lồng, cho chúng chạy lên núi, nhưng chúng cứ đứng lên lại ngã oành oạch.
Hai con khỉ đói đến nỗi không đứng nổi nữa, tay chân run lẩy bẩy. Sư phải sắm mấy chuồng sắt, nhốt nó vào cho an toàn, rồi hàng ngày cho nó uống sữa. Hồi sức rồi, chúng mới ăn được các thứ khác. Khi Ngố và Trố khỏe, sư thả ra, nhưng nó nhất định không lên núi, cứ luẩn quẩn quanh chùa.
Ngố và Trố nghịch ngợm không tên khỉ nào bằng. Sư nấu cơm, còn chưa kịp ăn, hai tên mở vung ăn vụng sạch sẽ. Du khách đến chùa, chẳng ngại ngùng gì, cứ trèo cả lên cổ du khách. Đuổi lên núi không chịu đi, thả ra thì nghịch ngợm, phá phách, trêu ghẹo khách viếng chùa, nên sư nhốt hai tên này vào chuồng, thi thoảng mới cho ra.
Bọn khỉ vàng rất thích uống sữa tươi.
Người mẹ của lũ khỉ
Sư Thích Diệu Mơ chợt nhớ đến con Mi Mi, rồi đôi mắt bỗng dưng mọng nước. Nó là con thông minh, thân thiết với sư nhất. Con này là do một Phật tử mua lại từ đám buôn khỉ mang đến chùa. Điều lạ là Mi Mi cũng ăn chay như sư cô. Nó chỉ uống sữa và ăn hoa quả. Khi sư cô ăn cơm, thì nó ăn cùng. Ăn xong thì ngồi vào lòng sư. Nhiều đêm nó ngủ cùng sư. Sư dậy, nó cũng đánh răng cùng, cũng soi gương chải tóc.
Đêm nào cũng vậy, sư cô phải bế nó đi đúng 3 vòng sân chùa, vừa bế vừa ru nó mới ngủ. Không ru là nó khóc. Con Mi Mi hiểu sư cô nhất, nên nói gì nó cũng nghe, cũng biết. Sư thường dẫn nó ra bờ ao. Sư và Mi Mi cùng ngồi bên cầu ao, soi bóng mặt nước. Sư cô kể: “Tôi bảo ao mát lắm, con xuống tắm đi, tức thì Mi Mi lò dò xuống bước xuống từng bậc.
Tôi bảo lặn đi, Mi Mi cũng lặn. Sư nhìn rõ nó bơi dưới nước trông như con cá cảnh, rồi ngóc đầu ở giữa ao cười toe toét. Rồi tôi nói, Mi Mi ơi, bơi vào đi không chết đuối đấy, thì nó bơi về cầu ao”. Thi thoảng, Mi Mi cũng lên núi, sống cảnh hoang dã. Nhưng chỉ được một hai ngày lại mò về như trẻ con đi xa nhớ mẹ.
Cũng vì có thói quen uống sữa, mà Mi Mi đã mất mạng vào năm ngoái. Chẳng là, hôm đó xây chùa, Mi Mi đã mở khóa, lục túi đồ của thợ xây, lấy tuýp keo và trèo tót lên cây mít. Bác thợ xây liền báo sư cô. Dù sư cô gọi nhưng Mi Mi không chịu xuống, cứ hí hoáy với tuýp keo. Sư cô phải mang hộp sữa ra gạ đổi, thì Mi Mi đồng ý.
Thế nhưng, uống hết sữa rồi, Mi Mi lại lục túi bác thợ xây để ăn trộm tuýp keo. Đêm ấy, trời mưa to, không thấy Mi Mi về. Hôm sau, sư cô dậy sớm, nhưng gọi mãi không thấy Mi Mi đáp lời. Sư cô rụng rời tay chân khi thấy Mi Mi nằm chết cứng dưới gốc mít. Thì ra, Mi Mi tưởng tuýp keo là sữa, nên đã uống sạch. Sư cô chôn Mi Mi mà nước mắt lã chã.
Ngoài Mi Mi thì con Mặt Đỏ và con Xích Lu cũng bị chết một cách đáng tiếc, khiến sư cô đau dứt ruột gan. Con Mặt Đỏ thì ho hắng, ốm đau suốt. Dù đã được sư cô chăm sóc tận tình, có bác sĩ thú y chữa trị, nhưng nó vẫn ra đi. Con Xích Lu thì chết rất đáng tiếc. Nhắc đến con Xích Lu, khuôn mặt sư cô Mơ buồn rười rượi.
Cách đây chừng 5 năm, có một du khách đến vãn cảnh, thấy sư cô Mơ nuôi nhiều khỉ vàng, vị khách này bảo: “Đây là giống khỉ thông minh lắm. Con muốn đổi mấy con khỉ của con lấy một con của thầy được không ạ?”. Tất nhiên là sư cô không đổi nhưng lại đề nghị vị khách này bán lại đàn khỉ cho nhà chùa.
Tuy nhiên, vị khách nọ cũng không nỡ xa đàn khỉ. Thích thú đàn khỉ trong chùa Nhẫm Dương, thi thoảng anh lại đến thăm. Khi thân thiết, sư cô đã yêu cầu vị khách đứng trước tượng Phật và thề là sẽ không giết, không bán mấy con khỉ mà anh đang nuôi. Thời gian sau, vị khách nọ mang đến 2 con khỉ và bảo với sư rằng: “Có lái buôn đang chuyển 2 con khỉ này sang Trung Quốc. Sang đó thì người ta lột da ngâm rượu hoặc róc xương nấu cao. Thương nó quá nên con mua giúp thầy”.
Hai con khỉ này được sư cô đặt tên là Xích Lu và Vâu. Cả hai đều cực kỳ thông minh, sống quây quần với sư cô Mơ suốt mấy năm nay. Vâu và Xích Lu là hai người bạn thân thiết của nhau. Con Vâu có cái răng vổ, nên thi thoảng sư cô và khách viếng chùa hay trêu ghẹo nó. Khen nó xinh, thì nó cười toe toét, chạy đến bắt tay, nhưng chê nó xấu, thì nó nhăn mặt, gầm gừ.
Năm kia, Xích Lu mang bầu, bụng chửa vượt mặt đi lững thững ở sân. Anh Lan, là Phật tử trông chùa cầm chổi cán dài quét sân. Mắt anh Lan hơi kém, nên không nhìn thấy con Xích Lu, đã quét vào nó. Xích Lu đang mang bầu, hơi khó tính một chút, lại tưởng anh Lan đánh nó bằng chổi, nên nó xông vào dọa cắn anh Lan.
Con chó đang ngồi ở gốc thị, thấy khỉ cắn chủ mình, thì nổi giận xông đến, cắn trúng cổ Xích Lu, khiến nó chết tại chỗ. Con Vâu nhìn thấy cảnh chó cắn chết bạn cứ nhảy như cào cào kêu khóc thảm thiết. Nó buồn bã, nhảy tót lên cây thị cổ thụ. Từ đó, nó ít khi xuống sân chùa lắm. Hằng ngày, nó lên núi Nhẫm, hòa với đàn khỉ do sư cô Mơ thả lên núi. Đêm nó cùng mấy con khỉ khác về cây thị ngủ. Phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy mấy chú khỉ như mấy con chuột trên cây thị khổng lồ 700 tuổi. Chỉ riêng sư cô Mơ mới gọi được Vâu cùng đàn khỉ xuống. Không kiếm được thức ăn, bọn khỉ tìm về cây thị và được sư cô mang hoa quả, sữa tươi cho chúng. Bọn khỉ sà xuống lấy đồ ăn, rồi lại chạy tót lên cây.
Cho đến nay, sư cô Diệu Mơ cũng không nhớ nổi, đã thả bao nhiêu khỉ lên núi Nhẫm, nhưng con số phải đến vài chục. Hầu hết số khỉ này là do sư mua, một vài con do Phật tử mang đến chùa. Những chú khỉ mới về chùa, được sư cô nhốt vào chuồng sắt. Quen với khung cảnh chùa chiền rồi, sư thả chúng ra. Con nào ở lại chùa thì sư nuôi dưỡng, còn thích cuộc sống hoang dã, thì tự tìm lên núi nhập bầy kiếm ăn. Mấy năm trước sư còn mua được nhiều, giờ khỉ đã bị bắt sạch, nên có khi cả năm chẳng mua được con nào.
Đàn khỉ đang hồi sinh trên núi Nhẫm và sư cô Thích Diệu Mơ vẫn đang phải căng sức bảo vệ chúng và “ngôi nhà” của chúng. Sư cô chỉ về phía tả quả núi Nhẫm vào bảo: “Mấy hôm trước, người của Công ty xi măng Phúc Sơn đưa máy móc, thuốc nổ lên định phá nốt núi, nhưng sư đấu tranh quyết liệt lắm, tố cáo tận nơi tận chốn mới giữ được đấy”. Sư Mơ đúng là mẹ của đàn khỉ vàng núi Nhẫm!
Theo Bóng đá