Bởi Sanrio công bố một sự thật khiến người hâm mộ không chấp nhận: Hello Kitty không phải là một con mèo !
Kẻ chinh phục thế giới
“Nếu điều này là sự thật và nếu đây không phải là trò đùa ngày Cá tháng tư của Nhật thì tôi chẳng còn gì của cô ấy nữa. Điều này thật bực mình. Sanrio đừng làm thế với các fan chứ!”, một người hâm mộ bày tỏ.
Đây xem như là cách bày tỏ nhẹ nhàng nhất bởi ngay trên mạng xã hội Tumblr - “sào huyệt” của các thể loại câu lạc bộ người hâm mộ, cứ hết post này đến post khác đều có tag Hello Kitty với những lời lẽ cay nghiệt “phải chăng lâu nay chúng ta sống đời dối trá”. Còn các trang tin hay cả các hãng tin lớn đều liệt tin này vào mục “tin nóng”, thế mới thấy sức hút của một nhân vật do con người bịa ra.
Không chỉ thế giới đồ chơi con gái mà là cái thế giới thực này đã bị Hello Kitty “chế ngự”. Hello Kitty đến Mỹ năm 1976 sau hai năm ra đời ở Nhật và từ đó trở thành một phần của văn hóa đại chúng toàn cầu. Hello Kitty được ví như là con ngựa Trojan khơi mào cho cuộc bành trướng của cái gọi là kawaii (văn hóa dễ thương) của người Nhật. “Dễ thương” được xem là chất bôi trơn xã hội có tầm quan trọng ở các thành phố Nhật nơi mà con người ta đi tìm một cái mền êm ái, một tầng đệm chống lại lối sống thành thị cực kỳ khắc nghiệt.
Theo Công ty marketing Boom Planning, các công ty Nhật chăm sóc kỹ lưỡng hình ảnh kawaii của họ bởi “các sản phẩm được làm ra theo tiêu chí kawaii nên rất được
phụ nữ yêu thích. Ở Nhật,
phụ nữ nắm quyền mua sắm. Ngay cả những thứ
phụ nữ không tự mua, như xe hơi, họ vẫn có tiếng nói quyết định cuối cùng”.
Còn tại sao Hello Kitty có địa vị chắc chắn ở Mỹ và châu Âu? Theo nhiều lý giải, các nền dân chủ phương Tây trong thập niên trước cũng gặp những vấn đề tương tự mà Nhật Bản từng đối mặt từ những năm 1990: giảm phát, công việc nhiều hơn mà tiền lương ít đi, dân số già, ám ảnh tuổi xuân. Ngay cả “thành trì” nước Anh cũng phải “sụp đổ” vì Hello Kitty.
Nhưng sao một nhân vật đeo chiếc nơ đỏ, không có miệng lại đại diện cho một nền văn hóa đặc trưng? Có lẽ phải cảm ơn “mẹ” của Hello Kitty là nhà thiết kế Yuko Shimizu dù lúc đầu bà chỉ nhắm đến trẻ em mẫu giáo. Một phác thảo dành cho con nít lại trở thành một biểu tượng hấp dẫn ở “tình trạng cảm xúc trống rỗng”. Vì cứ trơn tuột, trống rỗng thế nên Kitty phù hợp với mọi tâm trạng, nó vui khi bạn vui, nó buồn khi bạn buồn.
Roland Nozomu Kelts - tác giả cuốn
Japanamerica: How Japanese Pop Culture Has Invaded the US (tạm dịch: Nước Mỹ kiểu Nhật: Văn hóa Nhật Bản xâm nhập Mỹ như thế nào) cho biết: “Chúng ta dựa vào một con mèo con vô cảm, không có miệng, biến nó thành một món đồ chơi/một con búp bê hay một công cụ marketing tương tác hoàn hảo ở một thời đại mà sự tương tác là một mơ ước”. Còn giám đốc đối ngoại của Sanrio - Kazuo Tohmatsu ca tụng: “Hello Kitty đại diện cho một mong muốn sâu xa trong mỗi một người, bất chấp họ có màu da và quốc tịch nào, là được vui vẻ, hạnh phúc mà không cần phải nói ra. Hello Kitty không đánh giá. Cô ấy để bạn được tự do cảm nhận mà không ép bạn phải đặt câu hỏi tại sao”.
Hình ảnh một nhân vật không có miệng ấy cứ thế mà len lỏi khắp nơi và Sanrio không cần phải bỏ nhiều tiền cho quảng cáo, chỉ cần dựa vào chiến lược truyền miệng mà một năm bỏ túi khoảng 760 triệu USD doanh thu. Hello Kitty xuất hiện trên hơn 50.000 sản phẩm được bán ở hơn 70 nước, trở thành một nhãn hiệu có giá trị lên đến 7 tỉ USD.
Đã hết thời chăng ?
Người ta không hiểu tại sao Sanrio lại chọn năm 2014 để công bố thông tin này. Phải chăng Hello Kitty đã quá già để tiếp tục làm biểu tượng kawaii? Phải chăng Sanrio muốn tạo scandal dù sự bành trướng của Hello Kitty vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút?
Một sự thật, theo lời Sanrio, mà ngay cả người dày công nghiên cứu về Hello Kitty cũng không biết. Đó là Christine R.Yano - tác giả cuốn
Pink Globalization: Hello Kitty’s Trek Across the Pacific (tạm dịch
Sự toàn cầu hóa của màu hồng: Cuộc di cư của Hello Kitty vượt Thái Bình Dương) xuất bản năm ngoái. Bà còn là người phụ trách cho triển lãm Hello Kitty khai mạc ngày 11.10 tới tại Bảo tàng Quốc gia Mỹ Nhật ở Los Angeles. Và chính bà là người đầu tiên bị Sanrio “sửa lưng” khi đang viết lời giới thiệu triển lãm.
“Tôi bị sửa sai, rất nghiêm túc. Hello Kitty không phải là một con mèo. Đó là một nhân vật hoạt hình. Đó là một cô gái nhỏ. Đó là một người bạn. Nhưng đó không phải là một con mèo. Cô ấy chưa bao giờ được mô tả đang đứng 4 chân. Nó đi, ngồi như một sinh vật hai chân. Cô ấy còn có một vật nuôi thân thiết, cùng giống với mình, tên là Charmmy Kitty”, bà Yano giải bày.
Thế giới của Hello Kitty, sau cái tin này, càng trỗi lên mạnh mẽ khi người ta lại hăng say tìm hiểu lý lịch của Hello Kitty. Có nhiều điều người hâm mộ không biết dù cũng nhiều người không quan tâm. “Hello Kitty bỗng nhiên khiến người ta ngẩn ra, rồi lại suy nghĩ, rồi lại yêu thôi”, một fan thích thú cho biết.
Ngoài chuyện xác thực giống nòi, lần này quốc tịch của Kitty cũng được hé lộ. “Điều thú vị là thời những năm 1970 khi Hello Kitty ra đời cũng là lúc người Nhật và những
phụ nữ Nhật say mê nước Anh. Họ yêu nước Anh. Nên tiểu sử của Hello Kitty được tạo ra để phù hợp với sở thích thời đó”, bà Yano cho biết.
Các anti-fan của Hello Kitty không hề vui trước những thông tin này bởi đây chẳng khác gì một bệ phóng mới cho cô nàng “mãi mãi là học sinh lớp 3”. Hello Kitty một lần nữa lại gây tranh cãi như chính bài hát cùng tên của rocker Avril Lavigne: “
Hãy đến đây Kitty. Bạn thật dễ thương... Đừng bỏ đi Kitty. Bạn thật ngớ ngẩn”.
Sơ yếu lý lịch của Hello Kitty
Tên thật: Kitty White
Ngày sinh: 1.11.1974
Nhóm máu: A
Cung: Bọ cạp
Chiều cao: Khoảng 5 quả táo xếp chồng lên nhau
Cân nặng: Tương đương 3 quả táo gộp lại
Nơi sinh: Ngoại ô London (Anh)
Sở thích: Nướng bánh, làm bánh kẹp; xếp giấy origami; tìm hiểu văn hóa nước ngoài, chơi piano, chơi tennis; sưu tập sao, ruy băng và những thứ nhỏ xinh khác
Món ăn yêu thích: Bánh táo mẹ làm
Màu yêu thích: Đỏ