Bạn Có Biết Cách Xử Lý Khi Gặp Những Biến Chứng Cấp Tính Của Bệnh Tiểu Đường?

levibio

New member
User ID
59478
Tham gia
24 Tháng sáu 2014
Bài viết
34
Điểm tương tác
0
Tuổi
33
Đồng
0
Bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) đang điều trị bằng thuốc viên hạ đường huyết uống hay tiêm insulin, có một lúc nào đó cơ thể của bệnh nhân không được khỏe: cảm cúm, rối loạn đường tiêu hóa (tiêu chảy, ói), có tình trạng stress (nhiễm trùng, phẫu thuật, chấn thương). Những yếu tố này có thể làm cho đường huyết của bệnh nhân đang ổn định trở nên bị rối loạn, còn đối với bệnh nhân đường huyết đã không ổn định dễ tiến triển nhanh thành biến chứng cấp của ĐTĐ (hôn mê hạ đường huyết hoặc hôn mê tăng đường huyết). Do đó gặp những trường hợp này trước khi cần sự giúp đỡ của nhân viên y tế hoặc đi khám bệnh, bệnh nhân cần hiểu biết và tự xử trí tạm thời.

1.Bệnh ảnh hưởng đến đường huyết như thế nào?

Khi bị stress, đặc biệt bị nhiễm trùng, sốt, cơ thể cần nhiều năng lượng hơn. Các tuyến nội tiết đáp ứng bằng cách tăng tiết các nội tiết tố (hormon) làm tăng đường huyết và tạo thể ceton trong máu. Các nội tiết tố này cũng có tác dụng đối kháng với insulin làm cho nhu cầu insulin của cơ thể tăng. Do đó bệnh nhân ĐTĐ típ 1 dễ có nguy cơ bị nhiễm toan ceton, một tình trạng nguy hiểm; bệnh nhân ĐTĐ típ 2 ít bị nhiễm ceton hơn nhưng stress sẽ làm tăng đường huyết, nếu không xử trí để lâu sẽ dẫn đến mất nước, hôn mê tăng đường huyết, nếu stress đủ nặng có thể bị nhiễm ceton.
Cảm lạnh thông thường có ảnh hưởng đường huyết không?

Những trường hợp cảm lạnh thông thường không sốt sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến cân bằng đường huyết.

Những ảnh hưởng nào có thể gây hạ đường huyết ?

Một số bệnh như viêm dạ dày ruột gây buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy đau bụng làm cho bệnh nhân có cảm giác không thèm ăn, ăn uống kém làm cho sự hấp thu đường từ thức ăn vào máu giảm, nhu cầu insulin ít đi và có nguy cơ bị hạ đường huyết nếu bệnh nhân đang điều trị thuốc ĐTĐ mà không theo dõi đường huyết.

2.Bệnh nhân cần làm gì khi bị sốt?

Bệnh nhân bị sốt có thể do: cảm cúm, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng đường hô hấp…Nếu sốt cao, kéo dài cần phải đi khám để kiếm nguyên nhân của sốt.

Bệnh nhân có nên ngưng thuốc điều trị ĐTĐ không?

Bệnh nhân không được ngưng thuốc, vẫn tiếp tục dùng insulin hoặc thuốc viên hạ đường huyết uống, ăn đầy đủ.

Bệnh nhân cần theo dõi đường huyết thế nào?

Theo dõi đường huyết thường xuyên hơn, có thể 4 lần hoặc nhiều lần hơn trong ngày (dùng máy đo đường huyết mao mạch tại nhà). Có thể đo trước mỗi bữa ăn để điều chỉnh liều thuốc điều trị ĐTĐ.
Bệnh nhân cần làm gì khi thử đường huyết thấy cao?

Nếu đường huyết > 180 mg/dL cần phải thêm liều insulin tác dụng nhanh 1-2 đơn vị để làm giảm đường huyết xuống. Theo dõi đường huyết để điều chỉnh liều insulin cho thích hợp. Đối với bệnh nhân ĐTĐ típ 2 đang dùng thuốc viên dạng đường uống phải theo dõi đường huyết, nếu đường huyết cao cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được chỉ dẫn điều trị.

Cần phải theo dõi ceton trong nước tiểu bằng que thử. Nếu đường huyết > 240 mg/dL và có ceton trong nước tiểu cần phải hỏi ngay ý kiến bác sĩ.

Bệnh nhân nên ăn uống như thế nào?

Bệnh nhân vẫn phải ăn, ăn thức ăn dễ tiêu, có chứa chất bột (carbohydrate như súp, cháo, sữa …) chia đều trong ngày.

Bệnh nhân phải uống đủ nước vì bệnh nhân dễ bị mất nước do: sốt, đường huyết cao, đặc biệt khi có kèm theo ói, tiêu chảy. Uống tối thiểu 2 ml/kg/mỗi giờ (người 50kg uống tối thiểu 100 ml nước mỗi giờ). Nước uống là nước lọc, có thể dùng nước uống có chất đường như nước ép trái cây…
Bệnh nhân sốt, nhức đầu có thể uống paracetamol hoặc aspirin để làm giảm triệu chứng.

Trẻ bị ĐTĐ đang còn đi học hoặc người ĐTĐ làm việc ở công sở nên nghỉ ở nhà để dễ chăm sóc và theo dõi, nếu tiếp tục làm việc và không theo dõi đường huyết, đường huyết cao dễ bị nhiễm trùng nặng hơn.

3. Bệnh nhân cần làm gì khi bị buồn nôn, nôn?

Nôn ói có thể liên quan đến nhiều bệnh. Tuy nhiên khi bị nôn ói cần phải loại trừ trường hợp bị thiếu insulin gây tăng đường huyết và nhiễm ceton. Nếu bệnh nhân nôn ói, đau bụng nhưng không có tiêu chảy càng nghi ngờ do bị nhiễm ceton. Cần phải kiểm tra đường huyết và ceton nước tiểu khi có những triệu chứng này.

Ngay cả những bệnh nhân ĐTĐ đang chích insulin hoặc đang dùng thuốc hạ đường huyết uống cũng có thể xảy ra thiếu insulin tương đối do các bệnh khác đi kèm.Nếu đường huyết không cao, nôn có thể do nguyên nhân khác.

Khi bệnh nhân nôn ói sẽ dễ bị mất nước và có nguy cơ hạ đường huyết. Bệnh nhân phải tiếp tục duy trì insulin hàng ngày đồng thời phải ăn những thức ăn lỏng hoặc uống những thức uống có chất đường như súp, nước ép trái cây, nên ăn uống mỗi lần một ít, từng muỗng một; ăn uống một lần số lượng nhiều có thể làm ói nhiều hơn.
Cần phải theo dõi đường huyết để xử trí kịp thời.

Nếu ói quá nhiều, ói không hết sau 6 giờ mặc dù đã thực hiện theo hướng dẫn như trên hoặc không uống được tí gì trong 6 giờ phải gọi ngay cho bác sĩ.

4.Bệnh nhân cần làm gì khi bị viêm dạ dày ruột ?

Tình trạng này do nhiễm trùng đường ruột, gây ra ói và tiêu chảy.

Trường hợp này cơ thể bị mất nước nhanh và năng lượng đưa vào cơ thể rất kém, do đó đường huyết thường thấp. Cần phải giảm liều insulin 20-30% hoặc hơn để tránh bị hạ đường huyết.

Uống đầy đủ nước bằng cách uống mỗi lần một ít và lập lại mỗi 10-15 phút giống như đối với bệnh nhân buồn nôn, nôn. Có thể uống nước ép trái cây, trà đường, dung dịch Oresol…Khi hết ói bệnh nhân có thể ăn uống trở lại bình thường, bệnh nhân có thể ăn những gì bệnh nhân thích nhưng phải đủ năng lượng và chất đường, bột. Nếu sữa làm tiêu chảy nặng hơn, tạm thời ngưng uống sữa.

Theo dõi đường huyết, ceton và đường trong nước tiểu thường xuyên, nếu mất nước nhiều và tình trạng xấu hơn phải gọi ngay bác sĩ hoặc nhập viện.

Nếu ceton trong nước tiểu dương tính và không có đường trong nước tiểu thì đó là trường hợp nhiễm ceton do đói, cần cung cấp chất đường nhiều hơn, điều chỉnh lại liều insulin và chế độ ăn.

Đa số trường hợp cảm cúm thông thường, rối loạn tiêu hóa có thể điều trị và theo dõi tại nhà nếu bệnh nhân có hiểu biết và thực hiện theo những hướng dẫn cần thiết của thầy thuốc. Không ngần ngại gọi bác sĩ của mình khi có những khó chịu, rắc rối trong những ngày không được khỏe để được hướng dẫn chu đáo và nhanh chóng hồi phục.
 

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

You must be a member in order to leave a comment

Tạo tài khoản

Create an account on our community. It's easy!

Đăng nhập

Already have an account? Log in here.

Bài tương tự

Bài Mới

Bên trên Bottom