Cho trẻ bú bằng sữa mẹ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, rất nhiều người thường lo lắng vì không có đủ lượng sữa cần thiết cho bé. Những cách đơn giản sau sẽ giúp chị em phần nào giảm bớt những lo lắng này.
Vai trò của sữa mẹ
Trước hết sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ mà không có bất cứ loại sữa bột nào có thể so sánh được. Trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như: đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỉ lệ thích hợp cho sự hấp thu và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng được suy dinh dưỡng. Trong sữa mẹ có những yếu tố quan trọng bảo vệ cơ thể mà không một thức ăn nào có thể thay thế được đó là: các globulin miễn dịch, chủ yếu là IgA có tác dụng bảo vệ cơ thể chống các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm khuẩn.
Các loại sữa mẹ
Sữa non: là dòng sữa đầu tiên, rất giàu năng lượng, phù hợp với nhu cầu của trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sơ sinh non tháng. Sữa non giàu đường lactose và ít protein (đạm) hơn sữa bò, giàu các chất diệt khuẩn giúp trẻ tránh các bệnh nhiễm trùng, giàu vitamin A gấp 10 lần so với sữa vĩnh viễn. Nếu vì lý do gì trẻ không bú được sữa non thì có thể vắt ra cho trẻ uống.
Sữa chuyển tiếp: có từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 14 sau khi người phụ nữ sinh con.
Sữa vĩnh viễn: từ ngày 10 – 14 sau sinh, sữa mẹ sẽ tăng nhiều về số lượng và thay đổi cả về hình thức lẫn thành phần. Sữa mẹ trở nên loãng hơn và đó là sữa mẹ hoàn chỉnh với các thành phần dinh dưỡng ổn định. Các nhà chuyên môn nhận thấy, chế độ dinh dưỡng của người mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa mẹ.
Các nguyên nhân làm giảm sự tiết sữa
Cho con bú chậm sau sinh từ 2 -3 ngày. Mẹ có các bệnh lý như: suy tim, thiếu máu, suy dinh dưỡng…
Mẹ còn quá trẻ: dưới 18 tuổi, tuyến vú chưa phát triển.
Mẹ không tăng cân đầy đủ khi mang thai.
Mẹ dùng các thuốc ức chế sự tiết sữa: aspirin, kháng sinh, chống dị ứng.
Làm gì để mẹ có nhiều sữa
Cho trẻ bú đều: tốt nhất, ngay sau khi sinh trong vòng nửa giờ đầu người mẹ nên cho trẻ bú. Vì sữa mẹ tiết ra theo phản xạ, bú sớm có tác dụng kích thích bài tiết sữa sớm… Trong những ngày đầu sữa còn ít, cần cho trẻ bú nhiều lần, sữa sẽ “về” nhiều hơn. Nếu đã ít sữa mà lại cho trẻ bú ít hoặc ăn bổ sung sữa ngoài, trẻ sẽ bỏ bú và sữa cạn dần, dẫn đến mất sữa. Trẻ được bú sữa non sẽ phòng bệnh được tốt. Động tác bú có tác dụng co hồi tử cung và cầm máu cho người mẹ sau sinh.
Dinh dưỡng đầy đủ: để góp phần đảm bảo có đủ sữa cả về số lượng lẫn chất lượng, người mẹ cần ăn uống đầy đủ. Khẩu phần ăn cần tăng thêm khoảng 350 Kcal/ngày, tương đương khoảng 1/4 lượng thức ăn so với ngày thường. Bữa ăn của mẹ cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm. Nhóm chất bột (cơm, khoai củ, bánh mì, bún, bánh phở…); Nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu đỗ…); Nhóm chất béo (dầu mỡ, bơ, lạc…); Nhóm viatmin và khoáng chất (rau xanh, quả chín). Mỗi bữa bà mẹ nên ăn thêm một bát cơm hoặc một củ khoai cùng ít thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau củ và quả chín…
Uống đủ nước: người mẹ cần cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, có thể là uống sữa hay nước ép trái cây đều rất tốt trong thời gian cho bé bú, uống đủ nước giúp cơ thể mẹ tiết ra nhiều sữa cho bé hơn.
Nghỉ ngơi đầy đủ: các bà mẹ đang trong thời kỳ cho con bú rất cần được nghỉ ngơi đầy đủ và thường xuyên đi dạo để hít thở không khí trong lành. Để đảm bảo sức khỏe và đủ sữa cho con bú, bạn cần ngủ ít nhất 10 tiếng mỗi ngày, 2 - 4 tiếng ban ngày và 6-8 tiếng ban đêm. Stress ảnh hưởng lớn đến việc tiết sữa của cơ thể người mẹ, vì thế nghỉ ngơi và thư giãn là cách giúp tăng cường lượng sữa. Ngoài ra, người mẹ cần ăn kiêng những chất ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng sữa như: rượu, cà phê, thuốc lá… Không nên uống các loại thuốc tân dược khi không có chỉ định của bác sĩ.
BS. Lê Khánh Vân, SK&DS