Truyện ngắn của Phan Trang Hy
NGƯỜI ĐÀN BÀ BÁN LỘC
Giờ giao thừa. Những tiếng chuông rung lên lay động màn đêm. Tiếng còi tàu báo hiệu năm mới. Những chòm pháo bông sáng rực cả khoảng trời. Mùa xuân đang đến.
Bà Ba sửa soạn lại những nhánh trầu, xếp chúng vào mủng. Năm mới đến, thế mà, bà vẫn cứ đều đều công việc của mình.
Bà làm nghề bán trầu cau hàng chục năm nay. Bà muốn đem lại nụ cười đỏ như son cho các bà, nên bà chọn nghề này. Hằng ngày, cứ sáng sớm là bà gánh hàng lên chợ. Vẫn chỗ ngồi khép nép giữa những đồ hàng đúng kiểu của cái chợ mua giành bán giựt, bà Ba đặt lên chiếc mủng những lá trầu, những vôi, những hột cau khô. Bà lầm lũi làm công việc của người già khi còn đủ sức để lo cho cái ăn, cái mặc của chính mình. Bà không đon đả mời mọc khách hàng. Khách của bà toàn là những người quen, gần như là những bạn già với bà. Lâu lâu mới có một vài đứa trẻ đến mua hàng của bà về cho nội, cho ngoại.
Thắp nén nhang làm lễ Hành khiển, bà khấn thầm : “Con là Nguyễn Thị Ba, năm nay 77 tuổi, làm nghề bán trầu cau, cư ngụ tại phường Phước Mỹ, bày biện hương đèn, hoa quả, trà bánh, cáo với các thần cho con được khỏe trong năm nay”. Bà biết rất rõ sức khỏe của mình. Tuổi già sức yếu là chuyện thường tình, ai cũng phải mang. Nhiều lần, đứa con trai muốn bà về sống với nó, nhưng bà từ chối. Bà không muốn làm phiền con cháu.
Nhìn khói hương bay nhẹ, bà thanh thản trong lòng, bà thầm nghĩ : “Cả cuộc đời mình, mình không làm điều gì xấu. Ước gì mình cứ khỏe để nhìn con, nhìn cháu nên danh, nên phận là mình mãn nguyện”.
Đèn điện khắp xóm bật sáng trưng chào xuân mới. Mọi người đều thức đón xuân. Chiếc cát-xét từ nhà ai vẳng lên khúc nhạc Hái lộc đầu năm. Bài hát làm bà nhớ lại thời con gái. Hồi đó bà thường đi lễ chùa hái lộc đầu xuân. Chỉ còn lại những kỷ niệm trong ký ức.
Bà dậy thật sớm, sớm hơn ngày thường, gánh trầu rời khỏi nhà…
Bà xếp những ngọn trầu, toàn là trầu tươi xanh trên mủng, rồi ngồi chờ đợi trước cổng chùa.
Nhiều người đi lễ đầu năm. Áo quần mới, lời nói tốt đẹp rộn lên. Ngày mới của năm mới bắt đầu.
Sương sớm thầm nhẹ trên những ngọn trầu. Sương tươi xanh trên mủng trầu của bà.
Một người đến chọn lộc đầu năm.
Hai người, rồi ba người đến mua lộc…
Ai cũng mua lộc đầu năm.
Sương xuân vẫn còn rơi. Chỉ còn lại đôi mủng trống.
Bà lặng lẽ đếm những tờ giấy bạc mới tinh. Một ngàn, hai ngàn, ba ngàn…Bà mở chiếc túi vải giắt trong lưng quần ra, rồi bỏ tiền vào.
Trên đường về nhà, bà nhai tiếp miếng trầu. Nụ cười già của bà đỏ thắm. Tiếng nhạc xuân vẳng đưa : Mùa xuân ! Một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời…
Những đứa cháu của bà sà vào lòng bà. Bà rút những tờ giấy bạc mới tinh, những đồng tiền bà bán lộc đầu năm lì xì cho bọn trẻ…
Tháng Hai, 1995
Phan Trang Hy
Trích từ tập truyện NGƯỜI THẦY DẠY BÚP BÊ, Nxb Văn nghệ, 2009
NGƯỜI ĐÀN BÀ BÁN LỘC
Giờ giao thừa. Những tiếng chuông rung lên lay động màn đêm. Tiếng còi tàu báo hiệu năm mới. Những chòm pháo bông sáng rực cả khoảng trời. Mùa xuân đang đến.
Bà Ba sửa soạn lại những nhánh trầu, xếp chúng vào mủng. Năm mới đến, thế mà, bà vẫn cứ đều đều công việc của mình.
Bà làm nghề bán trầu cau hàng chục năm nay. Bà muốn đem lại nụ cười đỏ như son cho các bà, nên bà chọn nghề này. Hằng ngày, cứ sáng sớm là bà gánh hàng lên chợ. Vẫn chỗ ngồi khép nép giữa những đồ hàng đúng kiểu của cái chợ mua giành bán giựt, bà Ba đặt lên chiếc mủng những lá trầu, những vôi, những hột cau khô. Bà lầm lũi làm công việc của người già khi còn đủ sức để lo cho cái ăn, cái mặc của chính mình. Bà không đon đả mời mọc khách hàng. Khách của bà toàn là những người quen, gần như là những bạn già với bà. Lâu lâu mới có một vài đứa trẻ đến mua hàng của bà về cho nội, cho ngoại.
Thắp nén nhang làm lễ Hành khiển, bà khấn thầm : “Con là Nguyễn Thị Ba, năm nay 77 tuổi, làm nghề bán trầu cau, cư ngụ tại phường Phước Mỹ, bày biện hương đèn, hoa quả, trà bánh, cáo với các thần cho con được khỏe trong năm nay”. Bà biết rất rõ sức khỏe của mình. Tuổi già sức yếu là chuyện thường tình, ai cũng phải mang. Nhiều lần, đứa con trai muốn bà về sống với nó, nhưng bà từ chối. Bà không muốn làm phiền con cháu.
Nhìn khói hương bay nhẹ, bà thanh thản trong lòng, bà thầm nghĩ : “Cả cuộc đời mình, mình không làm điều gì xấu. Ước gì mình cứ khỏe để nhìn con, nhìn cháu nên danh, nên phận là mình mãn nguyện”.
Đèn điện khắp xóm bật sáng trưng chào xuân mới. Mọi người đều thức đón xuân. Chiếc cát-xét từ nhà ai vẳng lên khúc nhạc Hái lộc đầu năm. Bài hát làm bà nhớ lại thời con gái. Hồi đó bà thường đi lễ chùa hái lộc đầu xuân. Chỉ còn lại những kỷ niệm trong ký ức.
Bà dậy thật sớm, sớm hơn ngày thường, gánh trầu rời khỏi nhà…
Bà xếp những ngọn trầu, toàn là trầu tươi xanh trên mủng, rồi ngồi chờ đợi trước cổng chùa.
Nhiều người đi lễ đầu năm. Áo quần mới, lời nói tốt đẹp rộn lên. Ngày mới của năm mới bắt đầu.
Sương sớm thầm nhẹ trên những ngọn trầu. Sương tươi xanh trên mủng trầu của bà.
Một người đến chọn lộc đầu năm.
Hai người, rồi ba người đến mua lộc…
Ai cũng mua lộc đầu năm.
Sương xuân vẫn còn rơi. Chỉ còn lại đôi mủng trống.
Bà lặng lẽ đếm những tờ giấy bạc mới tinh. Một ngàn, hai ngàn, ba ngàn…Bà mở chiếc túi vải giắt trong lưng quần ra, rồi bỏ tiền vào.
Trên đường về nhà, bà nhai tiếp miếng trầu. Nụ cười già của bà đỏ thắm. Tiếng nhạc xuân vẳng đưa : Mùa xuân ! Một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời…
Những đứa cháu của bà sà vào lòng bà. Bà rút những tờ giấy bạc mới tinh, những đồng tiền bà bán lộc đầu năm lì xì cho bọn trẻ…
Tháng Hai, 1995
Phan Trang Hy
Trích từ tập truyện NGƯỜI THẦY DẠY BÚP BÊ, Nxb Văn nghệ, 2009