nguyenquynh010906
New member
Thai nhi cũng thích nghe hát ru. (ảnh minh họa)
Tiến sĩ Norman Weinberger, giáo sư khoa Sinh học thần kinh và Hành vi của Đại Học California, Irvine, cho rằng: "Ở mọi nền văn minh trên thế giới, các bà mẹ đều hát ru con, vì em bé sơ sinh hoàn toàn có thể cảm thụ được những giai điệu đó, như thể âm nhạc vốn dĩ đã luôn là một phần của chúng ta vậy".
Trẻ sơ sinh cảm nhận lời ru của mẹ như thế nào?
Từ trong bào thai
"Đã có nhiều công trình nghiên cứu, thậm chí những dữ liệu ghi âm lại những gì em bé nghe được ngay từ khi còn là bào thai" - tiến sĩ Patricia St. John, giáo sư giảng dạy âm nhạc của Đại Học Columbia. Nhiều đoạn ghi âm đã cho thấy trẻ sơ sinh phản ứng với giọng hát của mẹ nhạy hơn so với giọng hát của bố. Hầu hết trẻ con đều thích thú với những giai điệu, nên các bé sẽ không ngần ngại nhún nhảy theo nhịp điệu nghe được một khi chúng có thể. "Bé đã biết hát trước khi biết nói. Bé đã biết nhảy trước khi biết đi"- tiến sĩ St. John kết luận.
Em bé có thể nghe được ngay từ khi còn là bào thai. (ảnh minh họa)
Trong cuốn sách "Em bé siêu nhân: Phát huy tiềm năng của trẻ từ lúc chào đời đến khi thôi nôi", tác giả - tiến sĩ Sarah Brewer đến từ Đại Học Cambridge - đã lưu ý rằng, đôi tai của em bé thực chất đã tương đối hoàn chỉnh trong tuần thứ 20 của thai kỳ. Trước tuần thứ 24, não của bé đã có thể phản ứng với những âm thanh bên ngoài bào thai. Bên cạnh đó, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Leicester (Anh Quốc) cũng khám phá ra rằng, thai nhi thậm chí hít thở theo nhịp bài hát mà chúng thích, rằng các bé "có thể nhớ và phân biệt những điệu nhạc yêu thích ngay từ trước khi ra đời."
Tác dụng kỳ diệu của lời ru
Những giai điệu, hay âm thanh du dương như những bài hát ru giúp con người thư giãn tâm trí và ngủ ngon hơn, bằng cách tăng cường sóng delta trong não.
Riêng với thai nhi và trẻ sơ sinh, vai trò của lời ru không dừng lại ở đó:
Giúp trẻ em cảm thụ ngôn ngữ
Bằng cách hát ru cho bé, người mẹ cũng đồng thời giúp bé làm quen với những ngôn từ đầu tiên thông qua những âm điệu lặp đi lặp lại của lời ru. "Việc sớm truyền đạt cho trẻ những ngôn từ đầu tiên bằng những tiếng ru giúp cho não của bé tiếp thu ngôn ngữ hiệu quả hơn và nhớ lâu hơn." - giáo sư Diane Bales của trường Đại học Georgia phát biểu.
Phát triển trí tuệ
Cũng theo giáo sư Brewer, các nghiên cứu khoa học đã cho thấy những trẻ em được tiếp xúc với âm nhạc trước 6 tháng tuổi sẽ biết nói sớm hơn và có biểu hiện phát triển trí tuệ tốt hơn những trẻ khác. Sự phát triển vượt trội này được trẻ biểu hiện thông qua khả năng cảm thụ không gian và khả năng tư duy trong các trò chơi xếp hình, giải đố, thậm chí ở cấp độ cao hơn như giải toán và chơi cờ.
Trong quá trình lớn lên, những trẻ em được thường xuyên tiếp xúc với âm nhạc sẽ hình thành nhiều mối liên kết về âm nhạc trong não, giúp nâng cao khả năng tư duy của các em trong học tập và mọi hoạt động khác.
Những giai điệu, hay âm thanh du dương như những bài hát ru giúp con người
thư giãn tâm trí và ngủ ngon hơn. (ảnh minh họa)
Trong một thí nghiệm của trường Đại Học Case Western Reserve, các trẻ em từ 6 - 12 tuổi được yêu cầu đánh giá những cảm xúc được biểu đạt trong 30 đoạn nhạc thuộc tác phẩm giao hưởng "Các biến tấu Goldberg" của nhà soạn nhạc vĩ đại Johann Sebastian Bach.
Trong đó, những nốt nhạc cao và nhanh thể hiện cảm xúc vui tươi, trong khi những điệu trầm và dịu êm sẽ thiên về cảm xúc buồn; những nốt nhanh và cao trong nhịp ba lại thể hiện cảm xúc hào hứng phấn khích, còn những nốt chậm trong nhịp đôi biểu hiện sự tĩnh lặng. Kết quả cho thấy, nhóm trẻ đánh giá nhạy bén và chính xác nhất những cảm xúc trên trong các đoạn nhạc lại là những em bé 6 tuổi chưa hề được đào tạo bài bản về âm nhạc.
Cuối cùng, theo một nghiên cứu đã được thế giới công nhận của Đại Học Quốc Gia Yuzuncu Yil (Thổ Nhĩ Kỳ), những lời ru của mẹ giúp củng cố mối dây liên hệ giữa mẹ và bé. Người mẹ thường xuyên hát ru con bằng những ngôn từ mộc mạc nhưng đầy yêu thương cũng giúp cho trẻ cảm nhận rõ hơn tình yêu của mẹ dành cho bé. Nhờ đó, đứa trẻ mới có thể ra đời và lớn lên với một tâm hồn trọn vẹn và không trở nên xa lạ với mẹ.