Ăn gì mát cơ thể? Ăn gì hết nóng trong mùa hè?

Xinh

Nhớ!
Thành viên VIP
User ID
9
Tham gia
30 Tháng sáu 2012
Bài viết
4,597
Điểm tương tác
12
Tuổi
29
Địa chỉ
Việt Nam
Đồng
270,651
Ăn gì mát cơ thể? Ăn gì hết nóng trong mùa hè?

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, mùa hè thuộc hành hỏa, tiết trời nóng bức, hỏa dễ làm hao thương dương khí. Vả lại, quá trình chuyển hóa thay cũ đổi mới trong thân thể diễn ra rất mạnh mẽ, cơ thể mất nhiều tân dịch do bài tiết mồ hôi, bởi vậy đặc điểm nổi bật của mùa hè là “hao khí thương tân”.

Do đó trong ẩm thực, cần phải chú ý chọn dùng các loại thực phẩm có công dụng thanh nhiệt giải thử, ích khí dưỡng âm, sinh tân chỉ khát.

Xin giới thiệu bạn đọc một số món ăn bài thuốc thông dụng:


Đậu xanh: Vị ngọt, tính mát, có công năng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thử trừ phiền, là một trong những loại thực phẩm tuyệt vời cho mùa hè. Về mùa hè, dân gian thường dùng đậu xanh dưới dạng nấu cháo, nấu chè hoặc ủ thành giá đỗ ăn rất mát và bổ.

Bạch biển đậu: Vị ngọt, tính bình, có công dụng thanh thử hóa thấp, kiện tỳ, ích khí, là loại thực phẩm đặc biệt tốt cho những tháng cuối mùa hạ và đầu mùa thu. Nhà bác học Lý Thời Trân cho rằng biểu đậu có thể “chỉ tiết tả, thanh thử, hoãn tỳ vị, trừ thấp nhiệt, chỉ tiêu khát” (cẩm tiêu chảy, thanh thử nhiệt, làm ấm tỳ vị, trừ thấp nhiệt và làm hết chứng tiêu khát).

Dưa hấu: Vị ngọt tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt giải thử, trừ phiền chỉ khát rất tốt, được người xưa mệnh danh là “thiên nhiên Bạch hổ thang”, ý muốn nói: dưa hấu có tác dụng thanh nhiệt mạnh không kém gì Bạch hổ thang, một trong những bài thuốc điển hình của nhóm phương thang có công năng thanh nhiệt tả hỏa. Đặc biệt, vỏ của quả dưa hấu, còn gọi là tây qua bì, cũng là một vị thuốc có công dụng thanh nhiệt giải thử, sinh tân chỉ khát, thường được dân gian dùng dưới dạng sắc, hãm uống thay trà hoặc chế thành các món nộm ăn khá ngon.

Mướp đắng (khổ qua): Vị đắng, tính hàn, có công dụng thanh hỏa tiêu thử, minh mục giải nhiệt, dùng làm đồ ăn thức uống vào mùa hè rất tốt. Người ta thường dùng mướp đắng dưới dạng ăn sống, luộc, xào với trứng, nhồi thịt băm hoặc thái phiến, phơi khô, hãm uống thay trà.

Bí đao: Vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt tiêu thử, sinh tân chỉ khát, là một loại quả làm rau và làm đồ giải khát rất được ưa chuộng trong mùa hè. Dân gian thường dùng bí đao để nấu các món canh thanh nhiệt, giải nhiệt hoặc rửa sạch rồi ép lấy nước uống. Thậm chí, vỏ bí đao cũng có tác dụng giải nhiệt, nhiều phương thuốc dân gian đã dùng vỏ bí đao cùng với vỏ dưa hấu sắc lấy nước uống thay trà.

Dưa chuột: Vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt giải thử, sinh tân chỉ khát, lợi tiểu tiện, là một trong những loại quả được dùng rất phổ biến ở nhiều nơi trong mùa hè dưới dạng ăn sống, làm nộm, chế thành dưa góp hoặc dưa muối cả quả (loại dưa chuột bao tử). Thậm chí dưa chuột có thể xào với một số loại thịt thành những món ăn khá hấp dẫn.

Củ đậu: Vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh thử giải nhiệt, sinh tân chỉ khát, giải rượu rất tốt. Người ta thường dùng củ đậu để ăn sống, làm nộm, nấu canh, xào với thịt hoặc rửa sạch ép lấy nước uống giải khát.

Rau dền: Vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt giải thử, bổ khí trừ phiền, minh mục hoạt thai, lợi đại tiểu tràng. Đây là một loại rau không những có khả năng thanh nhiệt giải thử rất tốt mà trong thành phần còn chứa rất nhiều Fe, Ca, sinh tố C và đặc biệt là lysine rất cần cho quá trình sinh trưởng phát dục của thanh thiếu niên.

Rau cần: Vị ngọt mặn, tính hàn, có công dụng thanh nhiệt lợi niệu, hóa đàm, nhuyễn kiên, tán kết, là loại rau lý tưởng trong mùa hè cho những người bị vữa xơ động mạch, tăng huyết áp và bệnh lý tuyến giáp trạng.

Ngó sen: Vị ngọt, tính hàn, có công dụng thanh nhiệt lương huyết, sinh tân, chỉ khát, giải thử trừ phiền, là một trong những loại thực phẩm lý tưởng trong mùa hè. Dân gian thường dùng ngó sen dưới dạng sắc uống thay trà, làm nộm hoặc rửa sạch rồi ép lấy nước uống.

Nấm rơm: Vị ngọt, tính hàn, có giá trị dinh dưỡng rất cao, hàm chứa nhiều chất đạm, sinh tố C và các axit amin rất cần thiết cho cơ thể, có công dụng bồi bổ và thanh nhiệt tiêu thử. Đây là thực phẩm lý tưởng trong mùa hè cho những người bị tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và các bệnh lý gan mật.

Mía: Vị ngọt, tính hàn, có công dụng giải nhiệt sinh tân, nhuận táo tư âm, dùng rất tốt trong mùa hè để phòng chống các chứng bệnh viêm nhiệt có biểu hiện miệng khô họng khát, sốt cao mất nước, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo... Dân gian thường dùng dưới dạng ăn sống, ép hoặc sắc lấy nước uống thay trà giải khát.

Lê: Vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt nhuận táo, sinh tân chỉ khát. Nhà bác học Lý Thời Trân đã viết: “Lý hữu trị phong nhiệt, nhuận phế, lương tâm, tiêu đàm, giáng hỏa, giải độc chi công”.

Quả dâu: Vị ngọt, tính hàn, có công dụng bổ can ích thận, tư âm dưỡng huyết, minh mục nhuận tràng, làm đen râu tóc. Sách Bản thảo kinh sơ đã viết: quả dâu vị ngọt, tính hàn, mà bổ huyết trừ nhiệt, là vị thuốc bổ huyết ích âm. Đây là một loại quả nên dùng nhiều trong mùa hè dưới dạng siro dâu làm nước giải khát, trà dâu hoặc chế thành mứt dâu.

Nho: Vị ngọt chua, tính bình, có công dụng bổ khí huyết, sinh tân dịch, kiện tỳ khai vị, cường tráng gân cốt, là một trong những loại quả chứa rất nhiều nước, có khả năng thanh nhiệt, trừ phiền, giải khát trong mùa hè rất tốt.

Ngoài ra, trong mùa hè còn nên trọng dụng một số thực phẩm khác như mướp, cải cúc, xích tiểu đậu, đậu tương, củ cải, súp lơ, rau đay, mùng tơi, cà chua, cam, quýt, chuối tiêu, trám, táo tây, bạc hà, kỷ tử, kim ngân hoa, cúc hoa, bàng đại hải, quyết minh tử, thịt vịt, cua, ốc, hến, trai, sò, ngao...​
Nên tránh hoặc hạn chế dùng các thực phẩm như thịt dê, thịt chó, thịt hoẵng, thịt chim sẻ, long nhãn, vải, hẹ, hành tây, hạt tiêu, nhục quế, gừng, đại hồi, lạc rang, rượu trắng...​



Theo Sức khỏe & đời sống



Thời tiết nóng bức khiến ai nấy đều cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Một vài giải pháp trong ăn uống và sinh hoạt sẽ giúp bạn giải nhiệt cho cơ thể.



Ăn nhiều trái cây, rau quả



Trời nóng luôn tạo cho con người cảm giác mệt mỏi, chán ăn. Bên cạnh ăn đủ chất, cần giảm thức ăn giàu năng lượng, nhất là dầu mỡ và đường bột vì tạo nhiều năng lượng làm cơ thể thấy nóng hơn. Thay vào đó tăng cường ăn hoa quả và uống nhiều nước.

4cfan-gi-mua-nang-nong.jpg
Nên chọn hoa quả tươi, thành phần có chứa nhiều vitamin C.



Chọn hoa quả tươi, thành phần có chứa nhiều vitamin C như: dưa hấu, cam, thanh long, táo, cà chua… Ngoài ăn trực tiếp, dùng các loại hoa quả này ép lấy nước uống hoặc làm sinh tố cũng rất tốt. Hạn chế ăn các loại hoa quả có chứa nhiều đường như: mít, vải, nhãn, xoài… Nên thêm chút muối hơi mặn vào nước uống (từ 0,5 - 1g muối ăn/lít nước giải khát). Một người bình thường uống 1,5 lít nước/ngày nhưng vào mùa nóng phải uống gấp 2 - 3 lần.

Có thể tự chế biến một số loại nước giải khát, nước mát. Ngoài tác dụng giải khát, nước mát còn giúp đưa vào cơ thể một lượng nước có thể giải nhiệt làm bớt nóng nảy, bứt rứt khi nhiệt độ cơ thể lên cao.
Nên hạn chế dùng các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, các món ăn dạng chiên, xào và các món chứa nhiều gia vị có tính cay nóng. Không ăn nhiều các món lên men như: cà pháo muối, kim chi, dưa món.

Nên ăn nhiều thức ăn mát như các loại rau củ quả giàu kali (rau má, cà chua, mồng tơi, rau đay, diếp cá, xà lách xoong…). Trung bình mỗi ngày một người nên ăn ít nhất 200g trái cây và 300g rau xanh.

Các loại canh chua có nhiều nước, được chế biến đơn giản và có tác dụng làm mát như: canh cua, hến, thịt nạc nấu chua… rất thích hợp cho mùa hè. Ngoài ra còn có rất nhiều các món canh bổ dưỡng, có tác dụng mát phổi như: đậu phụ nấu cùng thịt nạc hoặc tôm khô xay nhuyễn… Khí hậu nóng, thức ăn mau bị ôi thiu, ăn uống phải đảm bảo vệ sinh để tránh những bệnh lây qua đường tiêu hóa.

Buổi tối trước khi ngủ, tránh ăn nhiều thực phẩm thịt, rau vì chúng làm khó ngủ. Uống nhiều nước sẽ làm bàng quang bị căng đầy, phải thường xuyên thức giấc đi tiểu. Tránh uống cà phê và thức uống có gas hoặc hút thuốc lá. Có thể uống trà tim sen để giúp làm mát cơ thể, dễ ngủ.

Tự làm một số đồ ăn, thức uống trị nóng - Nước ép bí đao: bí đao 500g, gọt vỏ, bỏ ruột, rửa thật sạch, thái miếng, ép lấy nước, cho thêm chút muối, uống 2 - 3 lần trong ngày, có tác dụng chống cảm nắng, mụn nhọt, rôm sảy.
- Nước a-ti-sô: mua a-ti-sô thành phẩm hoặc tươi về nấu lấy nước uống như trà. Bông a-ti-sô nấu chín có tác dụng bổ gan, lọc máu, bổ tim, chống độc, lợi tiểu.

ea9an-gi-de-giai-nhiet-cho-co-the.jpg
Bông a-ti-sô.



- Nước vối: lá vối khô rửa sạch cho vào ấm, cho nước lạnh vào đun đến sôi rồi uống nóng hoặc uống lạnh. Nước vối giải khát, giải nhiệt, có tác dụng lợi tiểu và mát. - Nước mía: dân gian thường dùng dưới dạng ăn sống, ép hoặc sắc lấy nước uống. Nước mía phòng các chứng bệnh viêm nhiệt, miệng khô họng khát, sốt cao mất nước...

- Thịt bò nấu rau cải: thịt bò 200g, rau cải 400g. Thịt bò thái mỏng; rau cải cắt khúc; gừng gọt vỏ, cắt thành miếng, đâm nhuyễn rồi ướp với thịt bò. Cho những thứ trên vào nồi, thêm 2 lít nước, tí muối vừa đủ. Nấu với lửa mạnh trong khoảng 1 giờ, lấy nước dùng lúc còn ấm. Công dụng giải cảm mạo phong hàn, trị đau đầu, đau nhức xương khớp...

- Cháo bạc hà: bạc hà tươi 1kg, gạo tẻ 150g. Bạc hà rửa sạch, chặt khúc. Gạo tẻ vo sạch. Cho bạc hà vào nồi cùng 1 lít nước, nấu sôi trong 1 giờ, lọc lấy nước, bỏ bã, cho nước lại vào nồi, đổ gạo tẻ vào nấu đến chín như cháo lỏng. Món này trị chứng da nóng ra nhiều mồ hôi, đau đầu, bụng chướng...

- Đậu xanh nấu bạc hà, kim ngân hoa: đậu xanh 30g, bạc hà tươi 10g, kim ngân hoa 100g, lá tre 10g. Cho bạc hà, kim ngân hoa, lá tre vào nồi cùng 2 lít nước, nấu độ 1 giờ, lọc lấy nước, bỏ xác. Cho đậu xanh cùng nước trên và một ít gạo vào nồi nấu chín, rồi cho vào lượng đường cát vừa đủ để dùng. Món này trị chứng toàn thân đau mỏi, khát nước...
BS. THANH HÀ
Theo suckhoedoisong.vn

 

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

You must be a member in order to leave a comment

Tạo tài khoản

Create an account on our community. It's easy!

Đăng nhập

Already have an account? Log in here.

Bài tương tự

Bài Mới

Bên trên Bottom