trucvien18

New member
User ID
127824
Tham gia
25 Tháng mười 2016
Bài viết
3
Điểm tương tác
0
Tuổi
34
Đồng
0
ton_trong_khoang_rieng.jpg
Thời học cấp hai lúc 13,14 tuổi, Trúc Viên có một lần bị các bạn trong lớp lấy trộm nhật ký, xé phăng ra và photocopy nhiều bản phát khắp trường. Lúc đó còn nhỏ vì sợ và yếu tim nên không bao giờ dám cầm một tờ để xem các bạn xé ngay trang nào. Vì sợ và xấu hổ nên chưa bao giờ điều tra và giải quyết câu chuyện một cách rõ ràng trực diện. Mọi chuyện, những cảm xúc rồi cũng đi vào quên lãng. Có điều, chữ “nhật ký” trở thành một từ ngữ vô cùng nhạy cảm với Trúc Viên cho đến tận hết những năm cấp ba, hễ nghe ai nhắc đến là cơ chế phản xạ tự động bật lên, cứ thấy nhột nhột khó chịu. Rồi lên đại học, ký ức nhòa hẳn, chữ “nhật ký” nghe chừng dễ chịu hơn, thậm chí bây giờ, TV có thể ngồi đây viết kiểu nhật ký bằng blog cá nhân này, cho cả thế giới cùng đọc, đọc càng nhiều TV càng thích :). Nhật ký, dịch ra cho cùng, là viết lại những điều hằng ngày, chứ không hẳn phải là viết những điều thầm kín. Cuốn nhật ký tuổi teen đó, không may mắn thay, lại là nơi chứa đựng những điều thầm kín không nói ai nghe của TV, ví dụ như say nắng anh chàng lớp A, lớp B nào đó, khó chịu vì dạo này cô bạn lớp trưởng bỏ rơi mình… Đại loại vậy. Khi chuyện đó xảy ra, TV chỉ để ý tới những cảm xúc của mình: sợ hãi, khó chịu, thiếu an toàn, xấu hổ mà không để ý một khía cạnh khác là, các bạn bè mình đã làm một chuyện hơi bị tệ, là thiếu tôn trọng sự riêng tư và cố ý gây tổn thương cho người khác.

Người ta nói “không được đánh phụ nữ, dù chỉ bằng cành hoa”, TV nghĩ được còn hơn thế nữa, không được xâm phạm sự riêng tư, khoảng riêng hay gây tổn thương người khác, đặc biệt là người không quen biết, dù chỉ bằng một làn gió, nếu làn gió mình gây ra đó đủ làm tốc nhẹ váy của một cô gái trên đường thì cũng phải xin lỗi, nói chi xa hơn là đụng chạm vào thân thể hay gây tổn thương tinh thần như câu chuyện nhật ký bên trên.

Xâm phạm riêng tư, nói một cách dễ hiểu hơn, chính là “làm phiền” người khác.

Hàng ngày bước ra đường, thậm chí ở ngay trong nhà thôi, TV nhận thấy xung quanh mình có rất nhiều hình thức khác nhau của việc xâm phạm sự riêng tư hay làm phiền này.

Ngoài đường thì có còi xe đua nhau thi chương trình “Cái Còi vàng”, dù là còi to hay còi nhỏ đều thích nhấn ầm ầm liên hồi phô diễn thanh thế, mỗi lần “được” nhấn còi nhắc nhở tránh đường là TV được một lần giật nảy mình và nếu âm lượng trên 115db (vượt mức quy định luật GTĐB) thì TV sẽ có thêm một cảm giác nữa là đau tai.

Một ngày đẹp trời nọ trên đường có một vũng nước, bạn nhấn ga chạy qua vũng nước với tốc độ 20-30km/h đủ để nước bắn sang hai bên cao ít nhất 0.5m, ai bị nước văng vào mặt kệ ai vì bạn đã chạy mất hút rồi.

Một vài anh lái xe hơi thích giành nhau vượt qua lối đi bộ với người đi bộ (đã gọi là lối đi bộ thì người đi bộ phải được ưu tiên chứ nhỉ?) (nói đến đoạn này thì mình nhớ đến ở các nước phát triển, hệ thống giao thông rất ưu tiên người đi bộ, dù qua đường nơi không có vạch thì các lái xe luôn dừng hẳn và nhường đường từ xa – tuy nhiên người ta tôn trọng bạn thì bạn cũng nên tôn trọng lại, tìm chỗ qua đường đúng quy định thì tốt hơn).

Hay lên máy bay con trẻ nghịch phá đạp vào ghế của hành khách phía trước, cha mẹ nhắc nhở vài câu chiếu lệ rồi thôi. Vào nhà hàng quán ăn, con trẻ lân la làm phiền các bàn bên cạnh và đụng chạm vào đồ đạc của khách khác, cha mẹ tảng lờ xem như không thấy không biết.

Lúc ở nhà thì TV thấy chú hàng xóm đi qua lại nhìn chòng chọc vào nhà hàng xóm khác không dưới 120 giây để nắm “diễn tiến nội bộ” của “nhà người ta”. Hoặc có nhà thì sử dụng sân nhà hàng xóm như sân nhà mình, buồn buồn thì mang củ kiệu cơm cháy sang phơi, tùy nghi sử dụng. Hoặc xem khu vực xung quanh nhà mình là hoang đảo, thích thì nói năng lớn tiếng nhiều giờ trong ngày, nói chán rồi thì bật phim Hàn Quốc đối thoại thâu đêm suốt sáng…

Các nền văn hóa phát triển như Nhật Bản và phương Tây, trong phạm vi những hành động của họ, họ đều vén khéo để tránh gây ảnh hưởng và khó chịu cho người khác. Và họ trở thành người rất tinh tế từ việc để tâm đến hành động của chính mình và cảm giác của người khác. Thi thoảng, nếu có gây ra ảnh hưởng, thì một câu xin lỗi vẫn không hại gì.

Trúc Viên, 31/10/2016
trucvienblog.com
 

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

You must be a member in order to leave a comment

Tạo tài khoản

Create an account on our community. It's easy!

Đăng nhập

Already have an account? Log in here.

Bài tương tự

Bài Mới

Bên trên Bottom