trucvien18
New member
Thẳng tính, có phải là nghĩ gì nói đó?
Thẳng tính là nói ra suy nghĩ của mình, không để trong bụng.
Thẳng tính dĩ nhiên được xem là một đức tính, trái ngược đức tính này là lươn lẹo và thiếu trung thực.
Như trên giải thích thì thẳng tính có hai phần, phần một là nóivà phần hai là suy nghĩ của bản thân. Nói thì là dùng miệng để tạo ra âm thanh, truyền thông trao đổi ý kiến với người khác. Suy nghĩ của bản thân là những gì mình tư duy và có bên trong bộ não. Thẳng tính, lúc mới nghe qua thì tưởng chừng như phần chính của nó là nói, có gì thì cứ nói ra để người thứ 2 biết. Nhưng khoan đã, các bạn nghĩ thử xem trên thế giới này có bao nhiêu người gây ra tai họa từ lời nói. Họa nhẹ thì là cãi vã nhau một buổi, vài ngày; họa vừa vừa thì là không thèm nhìn mặt nhau vài năm hay cả đời; họa nặng là làm nhau bị thương đến giết người chỉ vì một câu nói. Một ví dụ cụ thể đi nhỉ. Chồng muốn vợ đưa con gái mới sinh về nhà bố mẹ chồng để bố mẹ tiện chăm sóc, nhưng vợ phần không muốn xa nhà bố mẹ đẻ và phần có ý chê nhà chồng ở nơi thôn quê hẻo lánh nói chung là không đủ điều kiện, nghĩ rằng có sao nói vậy là hay nhất nên khi chồng đề nghị nàng thẳng thừng: “Em không muốn. Ở quê không đủ sạch sẽ thì làm sao con lớn được, không khéo lại mắc đủ thứ bệnh như thằng cu Tí con của em gái anh.” Anh chồng xem như nhận nguyên gáo nước lạnh.
Hoặc giả như em gái giúp chị dọn nhà vì biết chị bận bịu làm mẹ bỉm sữa một nách hai con không có thời gian. Cô em dọn nhà đau cả lưng đến cuối ngày, chị gái thấy sắp xếp chưa phù hợp với thẩm mỹ của mình nên đã thẳng tính buông ra suy nghĩ trong lòng: “Không ổn chút nào.” Em gái bị tổn thương nên bỏ về nhà một mạch bỏ dở luôn bữa cơm tối đủ đầy chị hai đã dọn sẵn.
Cả 2 ví dụ trên đều là nghĩ gì nói đó. Và người phát ngôn đều cho rằng họ thẳng thắn, có sao thì nói ra. Nhưng rõ ràng là thẳng thắn như vậy không mang lại kết quả tốt đẹp gì, thậm chí còn gây tổn thương người khác. Thẳng tính theo hướng nói như trên không hiệu quả, nên mình sẽ xét tiếp phần hai của thẳng tính là SUY NGHĨ. Trong ví dụ số 1, trước khi thẳng thừng “tạt nước” chồng, nàng vợ suy nghĩ thử như vậy xem, chồng mình là con trai trưởng, nhà nội là người Bắc bây giờ có cháu thì thích lắm, cũng là thương cả hai mẹ con nên muốn đón về gần bên chăm sóc cho tiện, nhà nội sống thanh đạm với vườn cây, ao cá, ông bà nghĩ là cháu sẽ thích ở quê như vậy hơn là nơi thành phố khói bụi chật hẹp không có không gian “quậy phá”, nàng dâu từ khi về nhà chồng đến giờ chưa có nhiều thời gian ở bên cạnh cùng bố mẹ của chồng vân vân và vân vân. Nàng chỉ e ngại một điều là bố mẹ ruột ở nơi trống vắng không có con cháu vui vầy. Nếu nghĩ thông thoáng như vậy có thể cô sẽ nhẹ nhàng chia sẻ cùng chồng sự lo lắng của mình về bố mẹ đẻ, từ đó hai người có thể bàn một kế hoạch win win, các bên cùng thắng, ví dụ như chị vợ về quê chồng vài tháng hết tháng ở cữ rồi về lại nhà mẹ đẻ. Ông bà nội cũng vui vì nàng dâu có lòng sắp xếp mà ông bà ngoại cũng không chịu cảnh quạnh quẽ quá lâu. Hai vợ chồng thuận hòa mát mái.
Ví dụ số 2, chị gái thử nghĩ như vậy, em gái bỏ cả một buổi chiều nghỉ ngơi ngày chủ nhật để giúp dọn dẹp vì không nỡ để chị bơi trong đống đồ chơi em bé, quần áo chưa xếp đầy trên sàn nhà (nhà có trẻ em sẽ biết), bếp núc không có người lau chùi. Em gái có ý muốn rời nhà chị gái từ lúc 2-3h trưa vì dạo này trời mùa mưa, ngập nước rất kinh, ở lại đến cuối ngày nguy cơ lội nước về rất cao. Góc nhà em gái dọn dẹp xong nhìn khá “dầy”, vì đồ đạc nhà mình nhiều, chứ không phải vì lỗi cô em không biết dọn. Nghĩ như vậy chị sẽ thấy rất cảm ơn em gái đã có lòng giúp đỡ mình, ngay cả khi khu vực đó khá dầy nhưng phần còn lại của căn nhà đã rất thoáng đãng và sạch sẽ. Chị cảm ơn em thật lòng vì hiểu tấm lòng của em dành cho mình, cả nhà ăn tối vui vẻ trước khi em rời về.
Sau hai phần kết tưởng tượng trên, các bạn có thấy cái phần nghĩ (thành phần thứ 2 của thẳng tính) đó có quan trọng và hiệu quả không? Hình như là có phải không? Còn mình thì luôn có một suy nghĩ này trong đầu, giữa thẳng tính và thiếu suy nghĩ, có một biên giới cực kỳ mong manh; thẳng tính và khéo léo, nghe chừng trái ngược nhau, nhưng thực tình, người biết thẳng tính có suy nghĩ, là người sống cực kỳ khéo.
Trúc Viên, 24/10/2016