Thở đúng cách để phòng bệnh tim mạch
Mỗi ngày trung bình chúng ta thở 22.000 lần nhưng cả đời hầu hết chúng ta đều mắc sai lầm trong hoạt động thở này. Cuộc sống ồn ào, căng thẳng sẽ làm con người tăng huyết áp, tăng sản sinh adrenaline, tăng nhịp tim. Giải pháp đưa ra là thở luân phiên bằng lỗ mũi, kỹ thuật này giảm nhịp của mạch và huyết áp tâm trương, tránh nguy cơ cao về đau tim, đột quỵ và hư thận.
Cụ thể, ngồi vắt chân chéo nhau, nhắm mắt. Dùng ngón tay cái của bàn tay phải bít lỗ mũi phải, hít sâu qua lỗ mũi bên trái khoảng 6 giây. Tiếp tục dùng ngón tay đeo nhẫn bịt vào lỗ bên trái rồi thở ra lỗ mũi bên phải, trong 6 giây rồi làm ngược lại. Toàn bộ quá trình này nên kéo dài ít nhất 2 phút.
Thở tránh tăng cân
Căng thẳng tinh thần cũng chính là một nguyên nhân gây tăng cân. Nó đẩy nhanh tốc độ chuyển hóa calo thành chất béo bởi người ta có xu hướng ăn nhiều hơn hoặc lựa chọn thức ăn không lành mạnh khi bị stress. Có một cách tuyệt vời để giải quyết vấn đề này là bạn tập trung thở chậm, các hormone gây căng thẳng cũng sẽ bị đẩy lùi.
Hãy thử cách thở mím môi. Hít vào qua đường mũi trong 4 giây sau đó thở ra từ từ trong 6 giây, khi thở ra môi khẽ mím, chỉ để một lỗ rất nhỏ để không khí thoát ra ngoài.
Thở - đề phòng dị ứng
Mỗi khi thay đổi mùa, những người bị dị ứng thường cảm thấy phiền phức, khó chịu. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những âm thanh nhỏ, đặc biệt là tiếng o o có thể giúp người ta thở tốt hơn. Chính những tiếng ngâm nga trong miệng này mở lỗ nối giữa khoang mũi với xoang, khiến không khí hít vào dễ hơn.
Cách thở này gọi là thở kiểu ong. Ngồi ở tư thế thoải mái, hít sâu qua đường mũi rồi ngân nga trong miệng để tạo ra âm thanh qua đường mũi. Khi đó, hãy làm sao để cảm giác có sự rung động trong mũi, cũng như trong ngực và đầu, vì thế thời gian thở ra kéo dài hơn. Đây cũng là biện pháp tốt để giảm lo lắng, bực dọc trong người. Bạn nên tập thở khoảng 10 phút/ngày.
Thở giúp điều chỉnh cảm xúc
Khi lo âu, hơi thở bị giam hãm ở lồng ngực thay vì sử dụng cơ hoành, tình trạng stress càng tăng lên. Mỗi người thở khoảng 15 lần/ phút nhưng khi bực tức, cáu giận, hãy cố thở chậm 6-7 lần /phút. Điều này có thể kích thích hệ thống thần kinh đối giao cảm (nơi kiểm soát chức năng tiêu hóa và nghỉ ngơi) vốn chạy dọc từ bụng đến ngực và quay ngược lên não.