Mối tình không thể chia ly của một tình báo

Xinh

Nhớ!
Thành viên VIP
User ID
9
Tham gia
30 Tháng sáu 2012
Bài viết
4,597
Điểm tương tác
12
Tuổi
29
Địa chỉ
Việt Nam
Đồng
270,651
Ngày chia tay, ông bà chỉ nói với nhau một câu giản dị: “Sẽ gặp lại” – vì câu nói đó, mà trong suốt 13 năm sau, dù bặt tin nhau, dù người này đều nghe tin người kia đã chết, nhưng ông bà vẫn chờ đợi nhau, chờ đợi ngay cả khi tuổi xuân vụt qua đi.* Tin rằng những điều kỳ diệu nhất có thể xảy ra trong cuộc đời mình, cả ông và bà đều đinh ninh lời hứa ngày ly biệt sẽ trở thành hiện thực.


Cuộc chiến thầm lặng trong lòng địch Tháng 7/2011, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức chương trình “Những mối tình không thể chia ly”. Vợ chồng nhà tình báo Năm Nhỏ - tên thân mật của Thượng tá Trịnh Hoài Châu đã được mời tham gia chương trình.
Sau chương trình này, nhiều người mới biết đến câu chuyện tình thời chiến trắc trở và cảm động của vợ chồng ông, một câu chuyện không dễ tìm thấy ở thời đại này.
Chuyện tình của ông, dĩ nhiên là mục đích quan trọng nhất khiến tôi đi tìm gặp ông và viết ra bài báo này, như là cách tôi chia sẻ một câu chuyện đến với độc giả. Nhưng cuộc đời của ông Năm Nhỏ - cuộc đời của một nhà tình báo thời chống Mỹ – có nhiều câu chuyện cần phải nói ngoài câu chuyện tình yêu* đôi lứa.
Ba má ông Năm Nhỏ sinh được 11 người con, ông là con áp út, thì cả 11 người con đều theo cách mạng. Tinh thần yêu nước thấm vào 11 anh chị em ông một cách tự nhiên, vì tất cả đều bị ảnh hưởng bởi tinh thần yêu nước của ba má.


images736168_Moi_tinh_khong_the_chia_ly_cua_mot_tinh_bao_phunutoday.vn_1.jpg



Ông Năm Nhỏ và bà Đỗ Thị Nga khi còn trẻ.


Ba của ông Năm Nhỏ khi xưa là thành viên của tổ chức Thiên Địa hội – một tổ chức tập hợp những người yêu nước ở Nam kỳ phản đối thực dân Pháp. Vì tham gia tổ chức này, ba ông đã bị thực dân Pháp bắt đi tù.
Năm Nhỏ kể, để cứu chồng khỏi cảnh tù, má ông đã liều mình giấu một lưỡi cưa vào túi đồ tiếp tế trong một lần vào thăm chồng trong trại giam. Sau khi vượt ngục thành công, ba ông về nhà, đưa cả gia đình đi nay đây mai đó, mỗi nơi chỉ ở một thời gian ngắn để chạy trốn sự truy đuổi của chính quyền.
Vì lẽ đó mà trong giấy khai sinh của 11 anh chị em ông, không một ai có nơi sinh giống nhau: người sinh ở* Sài Gòn, người sinh ở Lào, người sinh ở Campuchia.
Ông Năm Nhỏ - người con áp út, được sinh ở Mỏ Cày – Bến Tre và được ba má gửi về cho người chị gái lớn sống ở Sài Gòn nuôi dưỡng. Ông Năm Nhỏ phải xa cha mẹ trong phần lớn thời niên thiếu của mình.
Thời đó, vợ chồng tên Thủ tướng chính quyền địch là Nguyễn Văn Trung và Lê Thị Kiện nhập mái tôn ở nước ngoài về, nhưng buôn bán ế ẩm. Chúng bèn nghĩ ra một mưu kế hèn hạ: đêm đêm, chúng cho người đi đốt nhà của dân nghèo, bắt họ phải dựng lại nhà mới và mua mái tôn của chúng.
Nhưng dân ta đến ăn còn không đủ, nói gì đến chuyện* có tiền mua mái tôn. Căm phẫn trước việc làm độc ác, hèn hạ của vợ chồng Thủ tướng Nguyễn Văn Trung, ông Năm Nhỏ - khi đó mới 16 tuổi, đã tham gia cùng với một số thanh niên trong thành phố, đêm đêm đi bắt quả tang những kẻ đốt nhà của dân và thủ tiêu chúng.
Là trí thức, có tài ăn nói hóm hỉnh, khéo léo, khi mới tham gia cách mạng, ông Năm Nhỏ được giao làm công tác binh vận trong lòng địch. Ông quen biết khá nhiều các tướng tá trong chính quyền địch và lôi kéo họ ủng hộ cách mạng.
Người anh rể của ông - nhà tình báo Nguyễn Hữu Trí, sau này là nhà tình báo thứ hai được phong Anh hùng LLVT của ngành tình báo, thấy ông Năm Nhỏ thông minh, lại có quan hệ tốt với giới chức trong chính quyền địch, ông Nguyễn Hữu Trí đã đề nghị tổ chức chuyển ông Năm Nhỏ sang làm công tác tình báo.
Cuộc đời hoạt động tình báo – với đủ những gian khổ, hiểm nguy, khắc nghiệt của Năm Nhỏ bắt đầu từ khi ấy.
Ông Năm Nhỏ kể: “Má tôi có một người con nuôi, gia đình có “truyền thống” làm trong Tổng nha Cảnh sát. Tay này cũng làm chức khá to trong Tổng nha. Cậu ta biết tôi làm việc cho cách mạng, biết tôi từng bị bắt đi tù hồi năm 1958, nhưng khi tôi có ý định xâm nhập vào chính quyền địch, cậu ta đã giúp tôi làm sạch hồ sơ.
Cậu ta chỉ nói với tôi một câu: “Mày cẩn thận, đừng đùa với bọn CIA đó nghen”. Sau này các cơ quan tình báo của địch có đi điều tra về thân thế của tôi, cậu ta cũng giúp tôi che chắn thân phận. Nhờ đó mà tôi chui sâu được vào lòng địch”.


images736169_Moi_tinh_khong_the_chia_ly_cua_mot_tinh_bao_phunutoday.vn_2.jpg



Với vợ chồng ông Năm Nhỏ, hạnh phúc đơn giản chỉ là: Mỗi sáng trước khi bà đi làm, mỗi chiều sau khi bà về, bao giờ ông cũng ôm lấy bà, dành cho bà một nụ hôn âu yếm.


Sau 1 tháng vào làm việc trong chính quyền địch, ông Năm Nhỏ đã được giao cho nhiệm vụ thư ký phụ trách soạn thảo kế hoạch bình định của địch. Ông đã cung cấp được nhiều thông tin quan trọng ra chiến khu. Nhưng Năm Nhỏ cuối cùng cũng không giữ được bí mật về thân phận của mình:
“Ngày xưa đọc những tài liệu về ngành tình báo, tôi nhận ra một điểm chung, khâu yếu nhất và nguy hiểm nhất của nghề tình báo là người liên lạc. Các nhà tình báo nổi tiếng trên thế giới, hầu hết họ đều bị lộ khi người liên lạc của họ bị bắt và khai ra họ”.
Năm 1968, ông Năm Nhỏ bị địch phát hiện. Nữ giao liên của ông trong một lần đưa tài liệu về kế hoạch bình định của giặc ra khu, đã bị bắt. Không chịu được tra tấn, bà khai ra ông và đưa địch đến tận nhà bắt ông.
Rất nhiều người đã oán trách người nữ liên lạc đó khi biết tin ông bị bắt, ngay cả bản thân người nữ liên lạc ấy sau này cũng bỏ đi thật xa vì hổ thẹn, không dám đến gặp Năm Nhỏ.
Nhưng Năm Nhỏ bảo ông không bao giờ trách đồng chí liên lạc của mình, vì khi dấn thân vào nghề tình báo, ông đã biết trước được những khó khăn, gian khổ và nguy hiểm của nó. Ông cũng hiểu và thông cảm cho phút yếu lòng của người đồng chí của mình.
Khi biết ông là tình báo của ta cài vào, Nguyễn Cao Kỳ đã rất tức giận. Ông ta nói với cấp dưới: “Không cần xét xử. Hãy đưa ra pháp trường Cát xử bắn luôn”. Chúng giam Năm Nhỏ vào khu biệt giam suốt 3 năm.
Suốt 3 năm đó, mỗi đêm trước khi đi ngủ, Năm Nhỏ đều chuẩn bị tâm thế ngày mai ông sẽ bị chúng đưa ra pháp trường. Nhưng sau này, nhờ các đồng chí hoạt động cùng với ông khéo léo lo lót tiền cho địch mà năm 1971, Năm Nhỏ được trả tự do.
Ngày thả ông ra, tên sĩ quan địch nói với ông: “Tôi không cần biết ông theo Cộng hòa hay Việt cộng, nhưng ngay khi ra khỏi đây, ông hãy đi vào chiến khu của ông. Ông còn ở thành phố, chúng tôi sẽ bắt ông”. Ông Năm Nhỏ rút khỏi lòng địch từ dạo đó.
Lời hẹn ngày chia ly
Cuộc đời ông Năm Nhỏ chỉ có duy nhất một mối tình. Đến giờ khi đã 77 tuổi, ông Năm Nhỏ vẫn một lòng với tình yêu đó. Thời còn làm công tác binh vận, ông Năm Nhỏ tình cờ gặp nữ chiến sĩ Đỗ Thị Nga, kém ông 10 tuổi. Ông bảo, vừa nhìn thấy bà, là ông thương.
Thương vì cả hai cùng chí hướng, cùng có chung tinh thần yêu nước; thương vì thời con gái, nhan sắc của bà khiến không biết bao người đàn ông nghiêng ngả; nhưng thương hơn cả là tính cách dịu dàng, chịu thương chịu khó và biết sống cho người khác của bà.
Năm Nhỏ có rất nhiều “tình địch”, nhưng người cô ruột của bà vốn hoạt động chung với ông, ngày nào cũng ra rả kể về ông, ca ngợi ông với bà. Riết rồi bà yêu ông, yêu cho đến cả khi về già, tình yêu vẫn không một lần sứt mẻ.
Khi mẹ ông biết tin ông có bạn gái, bà cụ mừng lắm. Bà cụ bảo ông lấy vợ, cho bà cụ có cháu bế. Nhưng ông bảo với mẹ: “Con hoạt động cái nghề này, lấy vợ làm chi cho khổ vợ khổ con.* Rủi mình có chuyện gì, khổ người ta. Mình hi sinh một mình, có phải đỡ đau đớn hơn không?”.
Trong suốt những năm yêu nhau, dù yêu thương bà vô cùng, chưa bao giờ ông hứa hẹn sẽ* cưới bà làm vợ. Nhưng chưa bao giờ bà phàn nàn về điều đó. Bà hiểu những lo lắng trong lòng ông nên vẫn bền bỉ yêu ông và chờ đợi ông.
Năm 1962, tổ chức của bà bị lộ. Bà phải rút ra chiến khu. Ngày bà đi, ông chở bà ra bến xe, vẫn chẳng hứa hẹn, thề thốt gì với bà, chỉ nói với bà một câu giản dị: “Sẽ gặp lại”. Ông bà chia tay nhau mà không biết rằng, 13 năm sau mình mới gặp lại người thương.
Nhưng vì câu nói ngày chia ly ấy mà họ đã chờ đợi nhau suốt những năm tháng tuổi trẻ, dù có không ít những quãng thời gian, sự chờ đợi đó tưởng như là tuyệt vọng.
Không cái chết nào có thể chia lìa được mối tình ấy
Kể từ khi chia tay nhau năm 1962, ông Năm Nhỏ và bà Đỗ Thị Nga hoàn toàn mất tin nhau. Đến năm 1968, ông bị bắt. Tin dữ đến tai bà. Đồng đội của bà, có người nói với bà ông đã bị đưa đi xử bắn ở pháp trường Cát.
Nhưng bà không tin. Bà bảo bao giờ nhìn thấy xác ông bằng xương bằng thịt, bao giờ nhìn thấy mộ ông, bà mới tin ông đã chết. Ở trong chiến khu có rất nhiều người theo đuổi bà, kể cả những cấp trên của bà, bà đều khéo léo chối từ tất cả. Bà bảo bà đã có hẹn ước với người thương và đang chờ ngày độc lập để được đoàn tụ.
Khi đó bà không hề hay biết ông còn sống và đang bị biệt giam. Chẳng có lý do gì khiến bà tin rằng ông còn sống, ngoài sự mách bảo của trái tim. Đến năm 1971, ông được trả tự do và vào chiến khu, ông bà vẫn không hề biết tin nhau.
Ngày đó khi ra tù, ông đã gần 40 tuổi. Chỉ huy đơn vị ông kêu trời vì thấy ông vẫn chưa lấy vợ. Có người bảo: “Đồng chí nhiều tuổi rồi, chúng tôi sẽ mai mối cho đồng chí. Phải lập gia đình thì mới yên tâm làm cách mạng được”.
Đến lúc đó, ông mới thú nhận với đồng đội, ông đã có một người để thương để nhớ, nhưng lâu rồi không liên lạc được.
Anh em trong đơn vị thương ông đến ngần đó tuổi vẫn chưa vợ, chưa con, lầm lũi đi về, nên tỏa đi khắp nơi tìm kiếm tin tức của bà. Có người đi tìm bà, báo tin về cho ông, nói rằng bà đã hi sinh trong một trận càn.
Nhiều người nghĩ ông sẽ đau buồn khi nghe tin người yêu đã mất, nhưng ông trước sau như một vẫn khẳng định chắc nịch một điều: “Tôi tin cô ấy còn sống. Nhất định chúng tôi sẽ gặp lại nhau”.
Bởi vậy mà có nhiều người con gái thầm thương ông, các lãnh đạo trong đơn vị cũng không ít người muốn gả con gái cho ông, nhưng ông vẫn vững lòng chờ người thương của mình.
Nếu có một điều gì mà tôi ngưỡng mộ nhất ở những con người thời chiến mà tôi đã gặp, thì đó chính là niềm tin kỳ lạ của họ vào những điều họ tin tưởng, tôn thờ và yêu thương. Họ tin tưởng vào lý tưởng của mình, tin tưởng vào con đường mình đã chọn, tin tưởng vào cuộc chiến và sự hy sinh của mình sẽ có ngày đơm mùa quả ngọt.
Có một người phụ nữ mà tôi gặp ở Hà Tĩnh, bà sống một mình trong căn nhà nhỏ bé. Bà không có chồng, không có con. Thời chiến tranh, người yêu bà đi bộ đội. Họ hẹn sẽ cưới nhau vào ngày đất nước thống nhất.
Nhưng người đàn ông ấy mãi mãi không trở về. Bà để tang ông suốt từ ngày ấy. Suốt 40 năm sau đó, bà đi tìm mộ ông, và bà thề rằng chỉ tháo bỏ chiếc băng tang khi nào tìm được hài cốt của ông và đưa ông về chôn cất ở quê nhà.
Người khác có thể đã tuyệt vọng, nhưng bà thì luôn tin sẽ có ngày bà tìm thấy ông. Dù bà hoàn toàn chẳng có chút tin tức gì về nơi ông hy sinh. Bà đã sống bằng niềm tin đó cả cuộc đời, sống cô độc trong một căn nhà nhỏ ven đê.
Chiếc nón lá của bà đội, mỗi năm lại thêm một tấm băng đen. Đến chiếc băng đen thứ 40, thì bà tìm thấy mộ ông. Và giờ, khi tâm nguyện đã hoàn thành, khi niềm tin của bà đã thành sự thật, bà lại sống bằng niềm hạnh phúc được ngày ngày đi thăm mộ ông.
Nhà tình báo Trịnh Hoài Châu cũng vậy. Ông chẳng có cơ sở gì để tin rằng người yêu mình còn sống, ngoài cái niềm tin lạ lùng của ông vào tình yêu của mình.
Thế mà đến khi ngày độc lập cận kề, ông đã được sống trong những giây phút hạnh phúc vỡ òa, khi* người thương của mình đã “sống lại”, như những gì ông luôn tin tưởng trong suốt những năm tháng ấy.
Tháng 4/1975, khi cả miền Nam đang sục sôi không khí giải phóng, ông Năm Nhỏ tình cờ gặp lại người cô ruột của bà Đỗ Thị Nga.* Cô ruột của bà báo tin bà đang làm việc trong một trường quân y ở tận biên giới Campuchia.
Cả đơn vị ai cũng mừng cho ông. Ai cũng thương ông và lo ông sẽ phải chờ đợi mòn mỏi, vô vọng suốt đời. Đơn vị cấp cho ông một chiếc xe, cho tài xế chở đi, đưa ông và người cô ruột đến trường quân y tìm bà.
Dọc đường đi, anh lái xe gặp chỗ đường xsóc lái không vững tay, ông bị hất tung ra ngoài, ngã xuống lề đường. Nhưng ông bảo, lúc đó ông không hề cảm thấy đau đớn. Tất cả dây thần kinh cảm giác của ông dường như đều bị tê liệt.
Thứ duy nhất ông cảm nhận được lúc đó là sự hạnh phúc và hồi hộp khi sắp gặp lại người con gái mình yêu thương sau 13 năm trời xa cách.
Với ông Năm Nhỏ và bà Đỗ Thị Nga, giây phút đoàn tụ tại biên giới Campuchia là giây phút lịch sử trong cuộc đời ông bà, cũng là giây phút lịch sử với gia đình ông bà sau này. Lúc mặt đối mặt, bà cứ đứng nhìn ông trân trân, run rẩy, không sao nói được lời nào.
Đến lúc đó, nước mắt của bà mới rơi. Đến tận lúc nhìn thấy ông bằng da bằng thịt, là lúc bà không tin vào mắt mình nhất . Lúc gặp nhau, ông 41 tuổi, bà 31 tuổi. Cả hai ông bà đều đã đi qua những ngày xuân sắc đẹp nhất đời người, bà cũng không còn là cô thiếu nữ xinh đẹp xưa kia.
Chiến tranh và sự khắc khổ làm bà gầy mòn đi. Nhưng với họ, tất cả sự thay đổi của thời gian chẳng còn quan trọng, khi họ được nhìn thấy nhau, được biết rằng người thương của mình còn sống. Đêm hôm đó là một trong những đêm đẹp nhất trong cuộc đời nhà tình báo Năm Nhỏ.
Ông mắc võng nằm ngủ bên cạnh người thương của mình sau 13 năm không gặp. Đêm đó, lúc ngày giải phóng đã cận kề, ông mới dám đề nghị với bà chuyện đám cưới.
Tháng 12/1975, sau khi miền Nam giải phóng được 7 tháng, ông bà tổ chức một đám cưới giản dị ở đường Sương Nguyệt Ánh, Q1, TP.HCM. Bạn bè ông bà, đồng đội của ông bà đến dự đám cưới, đều nói chuyện tình của ông bà là một câu chuyện tình lịch sử.
Giữa cuộc sống nhiều mỏi mệt và bon chen này, tôi nghĩ nhà tình báo Trịnh Hoài Châu là một trong không nhiều người biết cách sống thanh thản và hạnh phúc. Ông bảo, vào cái ngày ông gặp lại được người thương của mình sau 13 năm bặt vô âm tín, sau không biết bao nhiêu tin đồn sinh tử, ông đã thực sự hiểu được ý nghĩa của hai từ Hạnh Phúc.
Bởi lẽ đó mà sau này, dù cái guồng quay cuộc sống ngày càng khắc nghiệt, dù bản thân ông đã từng là nạn nhân của cái guồng quay ấy, ông vẫn giữ cho mình một thái độ sống bình thản và giản đơn, vì ông biết mình đang nắm giữ trong tay một hạnh phúc thực sự - một món quà không thể tuyệt vời hơn mà ông nhận được từ cuộc sống.
Sau giải phóng, ông được cấp cho một căn nhà trên đường Sương Nguyệt Ánh. Nhà rộng, không ở hết, ông gọi vợ chồng người họ hàng về ở cùng. Nhưng sau này, gia đình đó đã bằng cách nào đó, giành lấy quyền sở hữu căn nhà của ông, và đứng tên hợp pháp trên giấy tờ.
Hai vợ chồng ông buộc phải ra khỏi ngôi nhà đó. Khi ấy, nếu muốn đấu tranh, nếu muốn chứng minh mình là chủ nhân thực sự của căn nhà, ông chỉ cần nhờ đơn vị xác nhận. Nhưng ông không làm thế.
Ông* cùng bà – lúc đó đang bụng mang dạ chửa, khệ nệ xách đồ đạc xin vào ở trong tập thể của đơn vị. Bà vui vẻ đi theo ông không một lời ca thán. Ông bảo chiến tranh mấy chục năm, ông bà đều hi sinh nhiều.
Sự hi sinh lớn nhất là sự xa cách, chia ly. Nỗi đau lớn nhất là nỗi đau khi luôn phải sống trong nỗi lo người thương của mình đã chết. Trải qua đủ những nỗi đau ấy, nên giây phút đoàn tụ, ông coi đó là món quà quý nhất mà ông nhận được từ cuộc đời, và ông luôn biết ơn cuộc đời vì món quà đó.
Những trải nghiệm trong cuộc đời ông đã giúp ông hiểu hạnh phúc thực sự là gì, và hạnh phúc thực sự ở đâu. Với ông, hạnh phúc mà ông có đơn giản chỉ là được sống bên bà, bên hai cô con gái hiếu thảo, dẫu rằng có thể họ chỉ được* sống bên nhau trong một căn phòng tập thể, chứ không phải một căn nhà rộng lớn mà họ xứng* đáng có được.
Nhà tình báo Năm Nhỏ tự nhận mình là một người “sợ” vợ. Đó là cách ông nói hóm hỉnh của ông về sự tôn trọng người vợ đã cùng ông đi qua những tháng ngày gian khó. Ông nghiền thuốc lá từ trẻ đến lúc 77 tuổi vẫn không cai được, dù có vợ là bác sĩ.
Nhưng trước mặt bà, trước mặt con cái, không bao giờ ông hút một điếu thuốc. Mỗi khi thèm thuốc, ông chạy ra khỏi nhà, hút vội một điếu rồi vào. Ông sợ khói thuốc của ông làm ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ con.*
Mãi sau này, gia đình ông Năm Nhỏ mới có một căn nhà riêng ở quận 5. Trong con hẻm trên đường Bạch Vân, hàng xóm của ông bà luôn ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghe ông bà nói với nhau một câu to tiếng.
Ông Năm Nhỏ nói với tôi, vợ chồng ông đã sống quá nhiều những ngày tháng xa cách, nên biết quý từng giây từng phút bên nhau, biết dùng những giây phút đó để bù đắp cho nhau và làm cho nhau hạnh phúc.
Vì thế mà giờ đã 77 tuổi, không thể yêu vợ như cách yêu của những người trẻ tuổi, ông thể hiện tình yêu với bà, bằng cách yêu của một ông già lãng mạn.
Mỗi sáng trước khi bà đi làm, mỗi chiều sau khi bà về, bao giờ ông cũng ôm lấy bà, dành cho bà một nụ hôn âu yếm. Hạnh phúc tuổi già của ông là những khoảnh khắc bình dị như thế.

.
p-89EKCgBk8MZdE.gif
 

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

You must be a member in order to leave a comment

Tạo tài khoản

Create an account on our community. It's easy!

Đăng nhập

Already have an account? Log in here.

Bài tương tự

Bài Mới

Bên trên Bottom